Vấn đề kinh tế mà chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt trong 2023

Trần nợ công của chính phủ, tỷ lệ lạm phát và chính sách tăng lãi suất của Fed là 3 trong số những thách thức kinh tế mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong năm nay

Vấn đề kinh tế mà chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt trong 2023

Bảng thông báo cần thuê nhân viên tại một nhà hàng ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế mới được ghi nhận vào tuần trước khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm và lạm phát giảm tháng thứ sáu liên tiếp, trước thềm bài phát biểu Thông điệp Liên bang năm 2023 của Tổng thống Joe Biden , một số chuyên gia đã cảnh báo những thách thức kinh tế mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong năm nay.

Thứ nhất đó là chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Với tín hiệu khả quan từ thị trường việc làm mới được báo cáo gần đây, hiện chưa rõ ràng khả năng Fed có tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới vào tháng Ba.

Trong lần tăng lãi suất gần đây nhất vào ngày 1/2, ngân hàng trung ương Mỹ đã lưu ý rằng cơ quan này đang tính toán độ trễ mà chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát.

Điều này có nghĩa là người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ hiện vẫn chưa cảm nhận được tất cả áp lực từ chuỗi 4 lần tăng lãi suất liên tiếp của Fed vào năm ngoái.

Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ đã bắt đầu giảm vào cuối năm ngoái với mức giảm 0,1% trong tháng 11 và giảm 0,2% trong tháng 12.

Tuy nhiên, bất chấp sự suy giảm chi tiêu, giới chức Mỹ tin rằng một thị trường lao động mạnh mẽ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế vượt qua nỗi lo suy thoái.

Thách thức thứ hai là trần nợ công của chính phủ. Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ liên bang vào tháng 1/2023, buộc Bộ Tài chính phải bắt đầu áp dụng các biện pháp đặc biệt để đảm bảo quốc gia không bị vỡ nợ.

Quốc hội Mỹ cần tăng giới hạn vay của chính phủ liên bang vào mùa Hè này, nếu không chính phủ sẽ vỡ nợ và gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong một Quốc hội đang bị chia rẽ, đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền Tổng thống Biden.

Thách thức thứ ba đối với nền kinh tế Mỹ là tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao. Lạm phát ở Mỹ đã giảm trong sáu tháng liên tiếp nhưng vẫn ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng 5%.

Mục tiêu của Fed là đưa tỷ lệ lạm phát hàng năm về mức 2%, nhưng một số nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ về khả năng Fed đạt được mục tiêu này mà không khiến nền kinh tế lâm vào suy thoái.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát gần đây đang giảm dần nhưng có thể sẽ ngày càng khó khăn khi tiến gần đến mục tiêu.

Vấn đề kinh tế mà chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt trong 2023

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Millbrae, California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong trường hợp đó, chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ có thể phải xem xét các biện pháp chống lạm phát bổ sung, trong đó có việc giải phóng xăng dầu từ kho dự trữ chiến lược.

Thách thức thứ tư là những bất ổn trong thị trường lao động vẫn tiếp diễn.

Năm 2022, Mỹ đã chứng kiến những cuộc đình công ở một số công ty lớn như Starbucks và Amazon, cũng như nhiều cuộc đình công và hành động lao động khác diễn ra trên khắp đất nước.

Một cuộc đình công trong ngành đường sắt đã được lên kế hoạch vào mùa Thu năm ngoái nhưng tránh được trong gang tấc sau khi chính quyền Tổng thống Biden tiến hành các cuộc đàm phán.

Công cụ theo dõi tình hình lao động của Đại học Cornell cho thấy việc những bất ổn trong vấn đề lao động ở Mỹ có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023.

Tháng 12 năm ngoái, ở Mỹ đã có 59.500 công nhân đình công, tăng so với 57.200 công nhân đình công vào tháng trước đó.

Thách thức thứ năm là những tác động từ các vấn đề toàn cầu. Những ảnh hưởng đối với nguồn cung do đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine và những cơn gió ngược toàn cầu khác đã đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ vào năm 2022, thúc đẩy lạm phát cao và làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Những rủi ro này vẫn còn rất nhiều, trong đó xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn, trong khi thị trường xăng dầu đầy biến động mang lại những rủi ro về lạm phát.

Cùng với đó, chính quyền Tổng thống Biden còn phải ứng phó với những thay đổi trong chính sách phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, vốn bắt đầu được nới lỏng từ cuối năm ngoái.

Sự gia tăng hoạt động kinh tế ở Trung Quốc có thể mang lại thêm động lực cho nền kinh tế Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu và dịch vụ, nhưng những đợt bùng phát COVID-19 mới có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và lạm phát cao hơn.

Theo Hồng Nguyên (Vietnam+)

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.