Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

(Baohatinh.vn) - Với người Việt nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dòng họ rất quan trọng. Và các ngày lễ, tết luôn là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, tri ân nguồn cội đồng thời gắn kết tình họ tộc, nhân lên niềm tự hào về các bậc tiền nhân.

Tự hào dòng tộc

Với quan niệm con chim có tổ, con người có tông, sông có nguồn, tổ tiên dòng tộc là điều mà mỗi đứa trẻ thời thơ ấu cũng như khi lớn lên đều được cha mẹ, ông bà nhắc nhở để luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời. Cũng chính vì thế mà dù con cháu sinh sống ở bất cứ nơi đâu, ý thức về tổ tiên, dòng tộc vẫn là sâu sắc nhất. Ý thức, lòng tự hào nguồn cội đó chính là động lực để mỗi người nỗ lực sống sao cho xứng đáng truyền thống của cha ông, làm tròn trách nhiệm với quê hương.

Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!
Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

Truyền thống dòng tộc là niềm tự hào của mỗi con người. Trong ảnh: Dòng họ Phan Tùng Mai ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) được cấp chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hà Tĩnh từ bao đời nay đã nổi danh là vùng đất học với nhiều dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt như: họ Nguyễn, họ Đặng (Tiên Điền - Nghi Xuân); họ Nguyễn Huy (Trường Lưu, nay là Kim Song Trường - Can Lộc); họ Phan Huy (Thạch Châu - Lộc Hà); họ Hà (Tùng Lộc - Can Lộc); họ Võ Tá (Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh); họ Phan, họ Hoàng, họ Bùi (Đức Thọ); họ Nguyễn Khắc (Hương Sơn)...

Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

Làng Đông Thái (Tùng Ảnh - Đức Thọ) nổi tiếng với các dòng họ khoa bảng. Ảnh Thiên Vỹ.

Những dòng họ đã sản sinh ra những người con làm rạng danh quê hương, đất nước, là di sản quý để lại cho các thế hệ mai sau.

Ông Phan Văn Hoàng (thôn Đông Thái, xã Tùng Ảnh - Đức Thọ) là hậu duệ của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng chia sẻ: “Tinh thần lập thân bằng con đường học tập khoa cử là một mạch nguồn được truyền nối qua nhiều đời, nhiều thế hệ trong dòng họ chúng tôi cũng như nhiều dòng họ khác ở làng Đông Thái. Chúng tôi tự hào vì điều đó và luôn lấy tiền nhân làm tấm gương để học tập, rèn luyện”.

Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

Gia đình ông Nguyễn Viết Luân ở tổ dân phố 5 - thị trấn Nghèn (Can Lộc - Hà Tĩnh) nổi tiếng là gia đình hiếu học khi có 3 thành viên là tiến sỹ và 4 thạc sỹ.

Bằng niềm tự hào dòng tộc, đề cao tinh thần hiếu học, nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh đã thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài để động viên con cháu tiếp nối truyền thống của cha ông. Nguồn quỹ thường được huy động trong con cháu họ tộc và được dùng để trao thưởng cho những cháu học hành đỗ đạt, giành được thành tích cao trong học tập, công tác.

Những món quà mang một ý nghĩa lớn về mặt tinh thần. Đó là sự ghi nhận, động viên, cổ vũ sự nỗ lực học tập của con cháu, là sự tiếp nối truyền thống của các bậc tiền nhân trong dòng họ, gắn kết tình thân họ tộc.

Tri ân nguồn cội

Văn hóa dòng họ không chỉ là truyền thống hiếu học mà còn là sự gắn kết giữa các cá nhân, gia đình, các thế hệ với nhau. Trong quan hệ dòng tộc, tôn ti trật tự, nền nếp gia phong luôn được coi trọng; tinh thần đoàn kết, gắn bó được nâng niu, gìn giữ. Cũng chính vì lẽ đó mà con người dù làm ăn, sinh sống nơi đâu vẫn luôn hướng về nguồn cội, đặc biệt là trong những dịp lễ, tết.

Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

Đối với người dân Hà Tĩnh, Rằm tháng Giêng là một dịp lễ trọng để tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, gắn kết tình thân trong dòng họ.

Đối với người dân ở các làng quê Hà Tĩnh, Rằm tháng Giêng là một dịp lễ trọng để tri ân tổ tiên, gắn kết tình thân trong dòng họ. Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong văn hóa nên dòng họ, chi tộc nào cũng xây dựng nhà thờ làm nơi để cho con cháu tưởng nhớ tổ tiên, gặp gỡ anh em họ hàng.

“Về nhà thờ họ” đã trở thành một khái niệm vừa thiêng liêng lại vừa thân thuộc, gần gũi với mỗi người. Đó là lúc cháu con muôn nơi về tụ họp cúng bái tổ tiên, anh em họ hàng được gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau; đồng thời cũng là dịp tổng kết lại quá trình phát triển dòng tộc, rà soát, bổ sung gia phả cho đầy đủ.

Tùy vào truyền thống và điều kiện kinh tế mà mỗi dòng họ sẽ tổ chức cúng Rằm tháng Giêng theo nghi thức riêng, nhưng đều có điểm chung là diễn ra hết sức trang trọng, chu đáo và thành tâm.

Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

Nhà thờ dòng họ Trần Hậu ở Hà Tĩnh là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Cỗ đi họ (cỗ mang vào nhà thờ dòng họ để cúng) thường không thể thiếu các vật phẩm truyền thống như: gà trống, thủ lợn, bánh chưng, xôi, trầu cau, rượu trắng, hoa quả...

Một số dòng họ ở huyện Lộc Hà còn tổ chức lễ tế họ khá cầu kỳ, bài bản với những cỗ gà bay độc đáo, đẹp mắt. Những con gà dáng cao, mình lớn, mào đỏ được tạo thế vươn cánh, đứng, ngồi, quỳ trên lưng rùa; ngậm hoa cúc, che lọng; gà xếp tầng... rất uy nghi, dũng mãnh.

Buổi lễ tế họ bằng cỗ gà bay thu hút đông đảo gia đình tham gia thi tài, cũng là dịp để con cháu sum vầy, gặp gỡ.

Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

Cúng cỗ gà bay là tục lệ độc đáo của một số dòng họ ở huyện Lộc Hà.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tục tế họ Rằm tháng Giêng ở nhiều địa phương sẽ không được tổ chức long trọng, quy mô lớn như những năm trước, nhưng lòng thành tâm của con cháu với tổ tiên không vì thế mà nhạt phai.

Sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh gần 30 năm nay nhưng anh Lê Đình Hòa (xã Thạch Châu) vẫn luôn hướng về quê hương, dòng họ. Dù công việc rất bận rộn nhưng mỗi năm, anh Hòa và gia đình đều sắp xếp để về quê đôi lần.

Anh Hòa chia sẻ: “Dù năm nay lễ tế họ không được tổ chức quy mô như các năm trước nhưng tôi vẫn về quê dịp Rằm tháng Giêng. Đây vừa là dịp để chúng tôi kính cáo với tổ tiên những việc đã làm được trong năm qua, cầu mong tổ tiên phù hộ một năm mới an lành, hạnh phúc”.

Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh: Tri ân nguồn cội, gắn kết tình thân!

Người dân Hà Tĩnh sửa soạn cúng rằm tháng Giêng trong điều kiện phòng dịch. (Ảnh Văn Hồ).

Mỗi một dòng họ dù lớn hay nhỏ đều trải qua sự sàng lọc, hun đúc các giá trị truyền thống và nỗ lực vun đắp, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính bề dày, chiều sâu của văn hóa dòng họ là yếu tố vun đắp niềm tự hào, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cháu con nỗ lực nối nghiệp tổ tông, làm rạng danh quê hương. Xây dựng, gìn giữ văn hóa dòng họ cũng là góp phần tạo dựng và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.