Kết phiên 23/10, giá vàng nhẫn tròn trơn đạt kỷ lục mới khi được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 87-88,5 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chỉ trong 3 ngày, giá mặt hàng này đã tăng 3,2 triệu đồng ở chiều bán ra và tăng 3 triệu đồng ở chiều thu mua.
Còn so với đầu tháng 10, các "nhà vàng" đã tăng giá thêm 9,3 triệu đồng ở chiều bán ra, tương đương mức sinh lời gần 12%.
Trong khi đó, tháng 10/2023, giá vàng nhẫn vẫn còn được niêm yết quanh mốc 57,9-58,9 triệu đồng. Như vậy chỉ sau một năm, giá mặt hàng này đã tăng 29,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và tăng 29,1 triệu đồng ở chiều mua vào, tương đương mức sinh lời 50%.
Với vàng miếng SJC, các thương hiệu kinh doanh lớn đồng loạt điều chỉnh giá bán ra thị trường lên 89 triệu đồng/lượng, cũng là mức giá cao nhất của vàng miếng trong 4 tháng qua, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp chính sách "định giá" vàng miếng.
Mức đỉnh lịch sử của vàng miếng trước đó là trên 92 triệu đồng/lượng, được thiết lập hồi tháng 5. So với đầu tháng 6, mỗi lượng vàng miếng hiện tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 13%.
Sự tăng trưởng này không chỉ thể hiện sức hấp dẫn của vàng như một tài sản an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn mà còn cho thấy những biến động mạnh mẽ trong tâm lý thị trường. Nhiều người đã lựa chọn vàng như một kênh trú ẩn an toàn, từ đó đẩy giá vàng lên cao.
Nhiều lý do hỗ trợ cho giá vàng
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội), cho biết trên thị trường quốc tế, giá vàng trong ngày 23/10 đã vượt mốc 2.760 USD/ounce, đạt đỉnh cao mới trong lịch sử. So với cùng kỳ năm trước, giá kim loại quý đã tăng gần 40%.
Diễn biến này đã tạo áp lực tăng giá lên thị trường vàng trong nước, đặc biệt là vàng nhẫn. Theo ông Huy, sự gia tăng mạnh mẽ của giá vàng nhẫn trong nước không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ những yếu tố quốc tế và trong nước.
Theo đó, diễn biến phức tạp khó lường của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khiến cho các nhà đầu tư quốc tế lại có thêm lý do cần trú ẩn vào vàng, khiến giá vàng thế giới tiếp tục tăng.
Cùng với đó, tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông ngày càng nghiêm trọng với nguy cơ xung đột diện rộng giữa Israel và các nước láng giềng. Ngoài ra, xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và những biến động ở bán đảo Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại về ổn định chính trị toàn cầu.
Việc các ngân hàng trung ương lớn, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ đã góp phần thúc đẩy đà tăng của vàng.
Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11, trong khi ECB đã giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Điều này làm giảm lợi suất trái phiếu, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có lợi suất.
Tại thị trường trong nước, nguồn cung vàng miếng SJC bị hạn chế đã khiến người dân chuyển hướng sang mua vàng nhẫn với tính thanh khoản cao hơn và phù hợp hơn cho nhu cầu tích trữ nhỏ lẻ. Sự chuyển đổi này đã gia tăng nhu cầu và đẩy giá vàng nhẫn lên cao.
Giao dịch vàng miếng SJC bị hạn chế so với trước đây, khi 5 đơn vị được ủy thác gồm Công ty SJC và 4 ngân hàng có vốn Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) bán ra với số lượng giới hạn và yêu cầu đăng ký trực tuyến. Các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp "định giá" vàng miếng, do không có nguồn cung.
Tuy nhiên, việc mua vàng nhẫn hiện cũng không dễ. Tình trạng khan hiếm vàng nhẫn tại Hà Nội, TPHCM xuất hiện từ sau dịp Tết và ngày Vía Thần tài. Nhu cầu mua vàng của người dân đã tăng đột biến, đặc biệt sau khi giá vàng thế giới tăng mạnh. Mặt hàng này càng trở nên khan hiếm.
Ở góc nhìn khác, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn tròn trơn tăng do nhiều yếu tố.
Trước hết, về yếu tố mùa vụ, thời điểm cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 12, là mùa cao điểm tiêu thụ vàng tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Thời điểm này là mùa cưới, chuẩn bị Tết Nguyên đán, và theo truyền thống, nhu cầu mua vàng để làm quà hoặc tích trữ thường tăng mạnh, điều này tạo áp lực lên giá vàng.
Ngoài ra, giá vàng tăng còn đến từ xu hướng tích trữ dài hạn. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Trung Quốc và Nga, đang có xu hướng mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Việc này xuất phát từ chiến lược kinh tế và chính trị dài hạn, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp. Việc các nước giảm sự phụ thuộc vào USD có thể làm suy yếu đồng tiền này, từ đó tăng giá vàng.
Cẩn trọng khi "lướt sóng" vàng
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nhận định giá vàng thế giới có thể tăng tiếp khi đang được nhiều yếu tố hỗ trợ. Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại khác. Bởi không ai có thể dự đoán được giá vàng trong nước có trở lại vùng đỉnh kỷ lục hay không, vì đến giờ Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chương trình ổn định giá, kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Theo đó, nhà đầu tư phải quan sát xem Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách bình ổn thị trường vàng này tiếp tục hay không. Tuy vậy, chương trình này mới thành công một nửa trong vấn đề kéo giá vàng xuống, nhưng chưa thành công trong vấn đề tăng cung vàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Hiếu, nhu cầu tiết kiệm, để dành vàng là nhu cầu hợp lý, hợp pháp, nhất là những người dân không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để đầu tư chứng khoán, hoặc không có số tiền đủ lớn để mua bất động sản…
"Nếu đầu tư vàng lâu dài thì có thể mua vào lúc này, nhưng nếu để "lướt sóng" kiếm lời thì cần cẩn trọng", ông Hiếu đánh giá. Bởi theo ông, giá vàng thế giới có thể tăng lên 2.800 USD/ounce hoặc 3.000 USD/ounce vào năm 2025 nhưng sẽ biến động như hình sin, biến động mạnh hoặc điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng để tránh giá vàng sau khi lên quá cao có thể tạo ra bong bóng rồi lao dốc, gây rủi ro cho những người trót mua vàng thời điểm này. Ông cũng lưu ý thêm rằng nếu mua vàng miếng hoặc vàng nhẫn, nên mua ở các kênh chính thức, tránh mua bán trên thị trường tự do, thị trường không chính thức, không có hóa đơn mua bán, sẽ có thể gặp rủi ro.
Kiểm soát giá vàng nhẫn, bằng cách nào?
Trước tình hình tăng giá mạnh của vàng nhẫn, ông Quang Huy cho rằng để ổn định thị trường Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều tiết hài hòa giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Theo đó, nhà quản lý cần tăng cường nguồn cung vàng SJC để người dân dễ tiếp cận hơn, giảm bớt áp lực lên vàng nhẫn. Điều này giúp cân bằng cung - cầu và hạn chế sự mất cân đối giữa hai loại hình vàng.
Việc khuyến khích các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, và bất động sản sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào vàng. Điều này cũng đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Theo chuyên gia, tăng cường tính minh bạch và chuẩn hóa thị trường trái phiếu sẽ giúp tạo thêm kênh đầu tư an toàn cho người dân. Khi thị trường trái phiếu ổn định, dòng tiền sẽ không còn tập trung quá nhiều vào vàng.
Thay vì tập trung tích trữ vàng, Chính phủ cần có định hướng khuyến khích người dân chuyển sang đầu tư vào các hoạt động kinh doanh sản xuất hoặc các dự án khởi nghiệp. Đây là hướng đi dài hạn giúp phát triển kinh tế và giảm áp lực lên thị trường vàng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT, đánh giá việc kiểm soát giá vàng nhẫn là rất khó vì mặt hàng này chịu tác động trực tiếp từ giá vàng thế giới.
"Ngân hàng Nhà nước trước đây đã can thiệp để kiểm soát giá vàng miếng. Còn việc can thiệp vào giá vàng nhẫn có thể không hiệu quả và không cần thiết. Giá vàng nhẫn, do có tính liên thông với thị trường quốc tế, thường biến động theo cung cầu và giá vàng toàn cầu", vị chuyên gia nhận xét.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước thay vì can thiệp trực tiếp thì có thể tập trung vào việc duy trì chính sách tiền tệ ổn định và theo dõi biến động của thị trường vàng quốc tế để có những biện pháp phù hợp, ví dụ như điều chỉnh tỷ giá hối đoái hay lãi suất.