Thị trường sau bão:
Vật liệu xây dựng nơi bình ổn, nơi tăng giá
Tại huyện Kỳ Anh, hầu như các mặt hàng VLXD không có sự biến động về giá. Vội vàng chở từng bao xi măng để kịp về “vá” lại mái nhà bị gió thốc, chị Nguyễn Thị Tâm (thôn Thanh Hòa, xã Kỳ Thư) cho biết: “Trước đây, 1 bao xi măng 65.000 đồng, bây giờ vẫn thế. Giữa thời điểm khó khăn này, nếu có mặt hàng nào tăng giá thì bà con chúng tôi càng khốn khổ thêm”.
Nhộn nhịp mua bán tấm lợp pibro xi măng ở xã Kỳ Tiến (Kỳ Anh)
Tại TP Hà Tĩnh, nơi có nhiều đại lý đầu mối cung cấp VLXD, giá các mặt hàng vẫn cơ bản ổn định. Ông Nguyễn Văn Bình - chủ cửa hàng VLXD Thanh Bình (đường Hà Tôn Mục) cho biết: “Hiện nay, tôn và các mặt hàng VLXD rất khan hiếm bởi sức mua khá lớn. Tôi đã liên hệ với các nhà máy ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đặt hàng nhưng đều nhận được thông tin phải chờ thêm một thời gian nữa.
Tuy khan hàng nhưng tôi vẫn giữ nguyên giá như trước, vừa tạo uy tín với khách hàng, vừa chia sẻ khó khăn với bà con nhân dân”. Các mặt hàng dây thép, kẽm, đinh vẫn ở mức giá cũ. Còn ông Lê Văn Hưng - một người dân ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Sau bão, dù nhu cầu về VLXD của nhân dân rất lớn nhưng điều đáng mừng là hiện nay, giá tôn, xi măng, sắt, thép… vẫn giữ nguyên”.
Người dân Kỳ Anh tranh thủ mua vật liệu về sửa chữa các công trình hư hỏng do mưa bão.
Trong khi đó, tại huyện Hương Khê, đã xảy ra tình trạng “loạn” giá các sản phẩm VLXD. Bên cạnh một số đại lý VLXD vẫn giữ giá ở mức ổn định thì cũng có không ít đại lý tăng giá, đặc biệt đối với mặt hàng tấm lợp fibrô xi măng. Lý giải cho hiện tượng này, chủ đại lý VLXD Hường Bân (thị trấn Hương Khê) cho biết: “Chúng tôi nhập hàng từ Quảng Bình, hiện công ty sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của bão. Do đó, các đại lý chúng tôi tăng giá từ một vài nghìn/1 tấm lợp để hỗ trợ công ty”.
Tình trạng “loạn” giá VLXD ở khu vực thị xã Kỳ Anh biến động theo từng giờ. Theo phản ánh của người dân địa phương, có những trường hợp tăng giá vật liệu lên gấp 2-3 lần so với ngày thường. Một người dân phường Kỳ Phương phản ánh, bình thường, một viên ngói chỉ khoảng 3-4 nghìn đồng, nay có đại lý tăng lên 7-10 nghìn đồng. Một cán bộ UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, sau khi có nhiều người dân báo cáo về tình trạng tăng giá VLXD, thị xã đã báo cáo Sở Công thương để nắm tình hình và triển khai các giải pháp. Được biết, thị xã Kỳ Anh hiện đang triển khai mở cửa hàng bình ổn giá đối với một số mặt hàng VLXD.
Nhu yếu phẩm tăng nhẹ
Tại TP Hà Tĩnh, ngay sau bão, các chợ dân sinh trên địa bàn đã mở bán trở lại. Tuy ảnh hưởng của bão số 10 khiến tình trạng khan hiếm đầu vào tăng… nhưng giá rau quả, thực phẩm tại các chợ dân sinh không tăng mạnh.
Giá rau tại một số chợ ở Hà Tĩnh không tăng mạnh
Khảo sát ở một số chợ, giá nhiều loại rau, quả tăng nhẹ, nhưng không quá cao so với ngày thường. Bình thường, một bó rau muống 5.000 đồng thì nay tăng lên 6.000 - 8.000 đồng; rau cải ngọt tăng từ 20 nghìn đồng/kg lên 25.000 nghìn đồng; cà chua 12-13 nghìn đồng/kg... Giá các mặt hàng này trong siêu thị cơ bản cũng tương tự như chợ dân sinh.
Tại khu vực chợ huyện Hương Khê và một số địa phương khác như: Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, Lộc Hà…, các mặt hàng thực phẩm vẫn giữ nguyên giá hoặc chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, giá thịt lợn dao động từ 50-70 nghìn đồng/kg, cá lóc nuôi 70-80 nghìn đồng/kg, gạo từ 10-15 nghìn đồng/kg, các mặt hàng rau, củ tăng bình quân 1-2 nghìn đồng/kg...