Nữ anh hùng La Thị Tám - nguyên mẫu trong ca khúc Người con gái sông La. Ảnh: Văn Bảo
Hà Tĩnh tự hào xuất hiện trong nền âm nhạc Việt Nam với những ca khúc nổi tiếng như: Chào em cô gái Lam Hồng, Người con gái sông La, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Mời anh về Hà Tĩnh, Nơi ấy quê mình… Những ca khúc ấy dù ra đời trong giai đoạn nào của đất nước cũng khắc họa hình ảnh con người Hà Tĩnh kiên trung, gan dạ, anh hùng, sáng tạo, thủy chung, son sắt.
"Người con gái sông La" qua giọng hát của ca sỹ Anh Thơ. Nguồn: internet
Chào em cô gái Lam Hồng là ca khúc thể hiện rõ nét tinh thần tập thể, ý chí quyết tâm của con người Hà Tĩnh trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của toàn dân tộc. Bài hát mở đầu với không khí rộn ràng của những nữ thanh niên xung phong mở đường: “Chào em cô gái Lam Hồng/ Giữa tiếng bom gào, đạn dội/ Vẫn nghe vang vang câu hò trên đường/ Niềm vui lớn tỏa lan trên quê ta/ Đi thông đường để những chuyến xe ta băng băng qua…”
Tác giả bài hát - nhạc sỹ Ánh Dương từng chia sẻ, ông rất cảm phục trước sự hy sinh gian khổ của những cô gái mở đường Hà Tĩnh cho xe ra tiền tuyến trong giai đoạn chiến tranh ác liệt (1965 - 1972).
Những nữ TNXP Hà Tĩnh làm nhiệm vụ thông đường tại Ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh chống Đế quốc Mỹ. Ảnh: Tư liệu
Nếu ở “Chào em cô gái Lam Hồng”, con người Hà Tĩnh nổi bật với tinh thần sáng tạo và quyết tâm tập thể trong chiến đấu thì ca khúc Người con gái sông La của nhạc sỹ Doãn Nho, phổ thơ Nguyễn Phương Thúy để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng nhiều người về hình ảnh một cá nhân tiêu biểu.
Người con gái sông La (sáng tác năm 1970) lấy cảm hứng từ nguyên mẫu Anh hùng La Thị Tám. Ca khúc sử dụng đậm đặc chất liệu dân ca ví, giặm cùng tiết tấu từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ và ca từ giàu hình ảnh đã khắc họa hình tượng người con gái núi Hồng, sông La với sự gan dạ phi thường trước bom đạn kẻ thù: “Bom thù xới nát đất này từng ngày/ Mà em đứng đó tóc xanh tung bay/… Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang…”
"Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" qua giọng hát của NSND Thu Hiền. Nguồn: internet
Trong chiến tranh, âm nhạc khắc họa hình ảnh người Hà Tĩnh dũng cảm, anh hùng thì thời bình, những con người “núi Hồng, sông La” lại hiện lên đầy nhiệt tình, sáng tạo và trách nhiệm trong lao động xây dựng quê hương: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/ Mà đời không ngại đào mấy con kênh/ Đắp hồ xây đập, ta nuôi dòng nước ngọt/ Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm...” Dù ra đời đến nay đã gần 45 năm nhưng những ca từ trong bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý vẫn ngân vang thiết tha, gợi hình ảnh đầy nhiệt huyết của hàng vạn thanh niên Hà Tĩnh lên đường chung tay tái thiết quê hương.
Người Hà Tĩnh luôn hiện diện trong âm nhạc với sự sâu nặng ân tình dành cho Bác Hồ. (Trong ảnh: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh)
Có một phẩm chất về con người Hà Tĩnh trong âm nhạc hiện đại được nhắc đến nhiều lần, đó là sự đằm sâu ân tình kế thừa từ di sản văn hóa cha ông: “Dân tôi ngàn năm khó nhọc/ Mà sống chắt chiu câu nghĩa tình” - (Hà Tĩnh mình thương - An Thuyên); Thương nhau quả cà cũng chia làm ba (Về Hà Tĩnh người ơi - Xuân Thủy); “Những cánh đồng muối trắng/ Tình sâu nghĩa nặng/ Biển ta lại nhớ rừng... Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa/ Thương con đò cắm con sào đứng đợi” (Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Tý).
Người Hà Tĩnh ngày nay vẫn một lòng son sắt theo Đảng nỗ lực xây dựng quê hương. (Trong ảnh: Người dân xã Tân Lộc (Lộc Hà) treo cờ Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII).
Hơn hết, sự đằm sâu ân tình, thủy chung, son sắt ấy của người Hà Tĩnh luôn hướng tới tri ân các bậc tiền nhân đóng góp nhiều công lao cho đất nước, như: lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà cách mạng Trần Phú, Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân Nguyễn Công Trứ… Với giai điệu tha thiết, bài hát Mời anh về Hà Tĩnh của nhạc sỹ Trần Hoàn nhắc lại kỷ niệm ngày Bác về thăm Hà Tĩnh với tình cảm dạt dào và lời khẳng định của người dân Hà Tĩnh: “Răng biết nước sông La cũng có khi khô cạn/ Răng biết rú Hồng Lĩnh cũng có khi hết cây/ Dù cho sáng nắng chiều mây/ Lòng ta vẫn vững đó đây vẹn tình...”
Có thể nói, âm nhạc đã khắc họa một vùng quê Hà Tĩnh với miền đất giàu truyền thống văn hóa “quê mình, quê thơ” và cũng đã thể hiện chân thực về người Hà Tĩnh yêu quê hương, đất nước nồng nàn, tha thiết và đầy nghĩa tình, thủy chung. Ngày nay, cùng với những truyền thống tốt đẹp, con người nơi đây cũng không ngừng nỗ lực học tập, linh hoạt, sáng tạo, hội nhập để vươn lên những tầm cao mới…