Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hường là một trong những hộ có diện tích trồng chè lớn nhất ở thôn Đất Đỏ. Với hơn 1,3 ha chè nguyên liệu, những năm gần đây, chị từng bước thanh lý những vườn chè quá lâu năm, năng suất thấp để trồng giống mới. Năm 2020 này, gia đình chị trồng mới 3 sào chè.
Từ sáng sớm, cùng với một số hộ khác trong thôn, chị Hường kéo xe bò đến vườn ươm của Xí nghiệp Chè 12/9 để nhận giống về trồng. Chị Hường cho biết, năm nay, mưa lũ kéo dài nên người trồng chè khá vất vả, thời vụ cũng bị chậm cả tháng trời. Đợt này, sau mưa, trời cho hơn 10 ngày nắng ấm nên đất khô khá nhanh, người trồng chè tranh thủ huy động nhân lực để hoàn thành việc gieo trồng vụ mới nhanh nhất.
Vườn ươm Xí nghiệp Chè 12/9 đóng ở xã Kỳ Trung những ngày này tấp nập những chuyến xe chở chè giống về các xã vùng thượng Kỳ Anh. 70 vạn giống đã được xí nghiệp ươm đảm bảo chất lượng để cung ứng cho 6 xã vùng thượng Kỳ Anh và một số xã ở Hương Khê, Hương Sơn.
Tại vườn ươm, chị Nguyễn Thu Hà (người bên trái) - lao động thời vụ của Xí nghiệp Chè 12/9 nhanh tay cùng các hộ trồng chè xếp cây giống vào những túi ni lông hoặc những chiếc khay. Chị Hà cho biết, mấy ngày nay, chị và 3 công nhân làm việc không nghỉ để kịp đóng gói, bàn giao giống chè cho người dân kịp xuống giống vụ mới.
Với 3 sào đất, chị Hường trồng 2.100 bầu cây giống. Kỹ sư Nguyễn Văn Đức luôn sát cánh cùng bà con Kỳ Trung nói riêng và các xã vùng thượng Kỳ Anh nói chung trong quá trình phát triển nghề trồng chè. Anh Đức chia sẻ: “Mưa nhiều quá nên chúng tôi phải tiến hành phun thuốc phòng nấm kỹ lưỡng cho cây giống. Cây cao 18 cm trở lên, có từ 6-8 lá thực tế, bộ rễ khỏe và sạch bệnh là yên tâm bàn giao cho bà con”.
Theo sự hướng dẫn của anh Đức, trước đó, chồng chị Hường đã làm đất để chuẩn bị trồng chè với khoảng cách đảm bảo cây cách cây 40 - 50 cm; hàng cách hàng 1,5m. Trước đó 1 tháng, đất trồng chè đã được gia đình cày xới, lên luống, bón phân. Sau khi đất khô, bớt độ nín là tiến hành lấy giống về trồng.
Năm nay do mưa lâu, đất trồng bị nín chặt nên chị Hường cũng như bà con trồng chè ở đây được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đào hố trồng cây với đường kính rộng hơn bình thường để đảm bảo độ tơi xốp. Cây chè giống cũng được hướng dẫn trồng nghiêng khoảng 30 độ xuôi theo hướng gió chính: Đông ghé Nam.
Video: Cán bộ Xí nghiệp Chè 12/9 hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc chè
Theo lý giải của kỹ sư Đức thì khi cây giống nghiêng theo hướng này, nếu gặp thời tiết bất thuận, có gió mạnh, sẽ hạn chế tối đa sự dao động mạnh của thân cây, tránh tình trạng gãy đổ hoặc long gốc. Theo chị Hường, đây là một trong những “bí quyết” quan trọng mà người trồng chè cần phải áp dụng triệt để, đặc biệt là tại các khu vực đồi núi cao, thời tiết không thuận lợi.
Một yếu tố kỹ thuật khá quan trọng trong khâu xuống giống cây chè là khi lấp đất cho bầu cây, người trồng cần phải dùng tay bóp đất thật tơi và nén đất thật kỹ nhưng vừa đủ mạnh để không làm vỡ bầu, vừa giữ chặt bầu trong đất, tạo cho rễ cây phát triển nhanh và khỏe.
Sau khi trồng một thời gian, cây chè cũng cần được xới váng thường xuyên để đảm bảo độ tơi xốp cho bộ rễ mới. Tùy vào điều kiện thời tiết, cây chè khoảng 20 ngày tuổi thì bắt đầu xới váng và cần tiến hành xới liên tục. Sau 5-6 tháng, khi cây đã khỏe mạnh và được tấp tủ thì mới dừng công đoạn xới váng.
Hôm nay, vợ chồng ông Hoàng Đình Dương, bà Võ Thị Lan (thôn Đất Đỏ) cùng đến giúp chị Hường. Với sự hỗ trợ của bà con trong thôn, chị Hường cũng đã hoàn thành trồng những luống chè mới cuối cùng trong vụ mới. Năm nay, các đồi chè ở Kỳ Trung đều được trồng mới giống PH1 - bộ giống có năng suất cao và khả năng chống chịu nắng hạn tốt hơn so với giống cũ.
Trước khi rời đồi chè, chị Hường khẩn trương thu dọn các loại rác thải, đồng thời kiểm tra từng hàng cây xem đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hay chưa. Theo kinh nghiệm trồng chè nhiều năm, thời gian tiếp theo, gia đình chị phải theo dõi, phát hiện những cây bị chết hoặc chậm phát triển để kịp thời bổ sung, thay thế.
Gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị Hường cho biết, chị lấy chồng và được thừa hưởng diện tích trồng chè của bố mẹ chồng, cộng với mở rộng diện tích sau này, vợ chồng chị đang sở hữu hơn 1,3 ha chè. Hiện nay, ngoài 3 sào trồng mới, 1 ha còn lại đang cho thu hoạch thường xuyên với năng suất trung bình khoảng 20 tấn/ha.
Đến thời điểm này, thôn Đất Đỏ nói riêng, toàn xã Kỳ Trung nói chung cơ bản đã hoàn thành xuống giống chè vụ mới. Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi nhưng người trồng chè đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa diện tích trồng mới của toàn xã đạt trên 15 ha, vượt 4 ha so với kế hoạch đề ra trong năm 2020.
Điểm mới trong năm nay là trên các đồi chè mới xuống giống đều có sự đầu tư chủ động về nước tưới. Bể chứa nước này là một trong những “điểm trung chuyển” nước từ con suối dưới chân đồi về để tưới cho các diện tích chè nhằm tránh tình trạng chè bị chết cháy như các đợt nắng nóng, nhất là đợt hạn gay gắt trong năm nay.
Ngoài bể chứa nước, hệ thống tưới hiện đại bằng bét tưới, súng tưới, đồi chè của gia đình chị Hường cũng đã được anh Lê Văn Anh - chồng chị đầu tư khá hoàn chỉnh, đảm bảo nước tưới cho cả vùng chè đã cho thu hoạch và diện tích chè trồng mới để phát triển theo hướng bền vững.
Những ngày này, bên cạnh trồng chè vụ mới, chị Hường cùng các thành viên trong gia đình còn tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đôi tay thoăn thoắt trên các luống chè, chị Hường tâm sự: “Dù năm nay thời tiết có ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng nhưng nghề trồng chè vẫn cho thu nhập khá và ổn định".
Nghề trồng chè với đặc trưng tập trung nhân lực cả gia đình nên đã tạo được sợi dây liên kết, gắn bó tình cảm giữa các thành viên với nhau.
Đồi chè nằm bao quanh, ôm ấp ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Hường nên vừa sản xuất, chị vừa quán xuyến được việc nhà, chăm sóc các con. Những ngày thu hoạch, các cháu nhỏ của anh chị cũng ríu rít theo chân bố mẹ tập hái chè.
Chè Kỳ Trung nói riêng và vùng thượng Kỳ Anh nói chung từ lâu đã khẳng định được chất lượng vượt trội bởi vùng tiểu khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng. Đặc biệt với hình thức trồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo quy trình khép kín, năng suất, chất lượng không ngừng được nâng cao.
Năm nay, mặc dù thiên tai, dịch bệnh hoành hành làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập, nhưng người dân ở đây vẫn yên tâm gắn bó với cây chè, bởi bên họ còn có chính quyền địa phương, doanh nghệp gắn bó, đồng hành, động viên và hỗ trợ để cây chè luôn giữ được màu xanh, người trồng chè luôn yên tâm và vững tin trong sản xuất.
Đến thời điểm này, xã Kỳ Trung đã có gần 180 ha chè nguyên liệu, với gần 400 hộ trồng. Cây chè đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân trên vùng đất này, tạo nên nguồn thu nhập không nhỏ, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình ở vùng thượng Kỳ Anh.