Cuộc tiến công chiến lược Ðông - Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam với đỉnh cao là chiến thắng vang dội của chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Navarre - nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Trong lúc đó, các nước lớn trên thế giới đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc xung đột; sức ép của phong trào chống chiến tranh, đòi giải quyết hòa bình vấn đề Ðông Dương của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới ngày càng tăng. Trước tình hình đó và do chịu thất bại nặng nề trên chiến trường, thực dân Pháp đã phải chấp nhận tham gia Hội nghị Geneva để thương lượng việc giải quyết hòa bình cho vấn đề Ðông Dương.
Hội nghị Geneva về Đông Dương bắt đầu từ ngày 8/5 đến 21/7/1954, trải qua 75 ngày đêm thương lượng, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn.
Hội nghị có sự tham gia của 9 đoàn đại biểu chính thức: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Ðại diện lực lượng kháng chiến Phathet Lào và Khmer Itsarak đã có mặt ở Geneva nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận tham dự hội nghị.
Đại diện Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến dự hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng.
Cuộc đấu tranh tại Hội nghị diễn biến qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 diễn ra từ ngày 8/5 đến 19/6/1954, với 6 phiên toàn thể và 17 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn.
Ngoài việc trao đổi chương trình nghị sự, trong giai đoạn này các bên trình bày lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Đông Dương.
Ngày 10/5, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng trình bày lập trường 8 điểm của một giải pháp toàn diện cho vấn đề Đông Dương.
Bản đề nghị 8 điểm nổi tiếng của Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được đưa ra làm cơ sở thảo luận tại Hội nghị, bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân các nước thuộc địa và các nước thực dân, đặc biệt là đối với nhân dân và chính phủ Pháp.
Lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của Lào, Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài... Những đề nghị hợp tình, hợp lý của Đoàn đại biểu Việt Nam đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình ủng hộ.
Do đoàn Pháp vẫn giữ lập trường cứng rắn, nội các của Thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12/6/1954. Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, Mendès France thuộc phái chủ hòa lập chính phủ mới. Ngày 18/6/1954, khi nhậm chức, Thủ tướng Pháp Mendès France (M.France) tuyên bố sẽ từ chức, nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Vào thời điểm này, tại Sài Gòn, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng thay Bửu Lộc dưới quyền Bảo Đại.
Cuối giai đoạn 1 của Hội nghị, các bên tham gia đàm phán vẫn thăm dò lẫn nhau về giải pháp và đưa ra lập trường của mình mà không đi đến một thỏa thuận thực chất nào.
Trong giai đoạn này, phiên họp quân sự Việt - Pháp đầu tiên được tiến hành ngày 2/6 tại Geneva. Ngày 10/6, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu, thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa ra các đề nghị về đường phân giới tạm thời và việc tập kết quân đội hai bên.
Giai đoạn 2 diễn ra từ ngày 20/6 đến ngày 9/7, là thời gian phần lớn các trưởng đoàn vắng mặt tại Geneva, với 6 phiên họp hẹp. Trong giai đoạn đó, bên ngoài Hội nghị diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, tác động lớn đến chiều hướng của Hội nghị.
Ngày 23/6, Thủ tướng Pháp M.France đã tới Bern, Thụy Sĩ để gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thăm dò về vấn đề phân vùng, vấn đề thống nhất Việt Nam, vấn đề Lào và Campuchia.
Sau cuộc gặp tại Bern, Thủ tướng Pháp đã chỉ thị cho đoàn Pháp về lập trường thương lượng của Pháp, trong đó có: Tập kết quân đội hai bên trong hai khu vực lớn theo đường chia cắt ở vĩ tuyến 18; trung lập hóa các địa phận Công giáo ở bên trong khu vực của Việt Minh; Pháp chiếm giữ Hải Phòng càng lâu càng tốt. Kể từ lúc này việc chia cắt Việt Nam đã trở thành một mục tiêu của Đoàn đại biểu Pháp.
Ngày 29/6, tại cuộc gặp cấp cao Mỹ - Anh ở Washington, Tổng thống Mỹ đã thỏa thuận với Thủ tướng Anh về bảy điều kiện cho giải pháp về Đông Dương. Trong đó có điều kiện “Giữ cho được ít nhất một nửa Việt Nam ở phía nam, nếu được thì giữ một vùng của đồng bằng Bắc Bộ; đường giới tuyến tại Đồng Hới”.
Từ ngày 3 đến 5/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây đề cập những nội dung quyết định của giải pháp.
Trong cuộc gặp này, Thủ tướng Trung Quốc cho hay trước đây Pháp đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của phe xã hội chủ nghĩa, Pháp và Anh, Hoa Kỳ đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng với so sánh lực lượng trên thực tế chiến trường, ta đề ra vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 đối với ta là không thể chấp nhận, ít nhất cũng phải giành được vĩ tuyến 16, như trước đây Đồng minh đã chọn làm ranh giới tạm thời để giải giáp quân đội Nhật ở hai miền nam, bắc Đông Dương. Thời hạn tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam ta nên đòi sáu tháng.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai khẳng định sẽ cùng Trưởng đoàn Liên Xô cố gắng thực hiện ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song nếu việc đấu tranh xác định ranh giới tạm thời gặp khó khăn, đề nghị được linh hoạt về vĩ tuyến.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu về, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ sáu từ ngày 15 đến 17/7/1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu và kế hoạch can thiệp của Mỹ cũng thay đổi để kéo dài chiến tranh Đông Dương, quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương, phá hoại Hội nghị Geneva, tìm hết cách hất cẳng Pháp để chiếm ba nước Việt, Miên, Lào... Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào... Để chống đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, ta phải nắm vững lá cờ hòa bình... Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức... Mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ... Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”.
Hội nghị nhất trí phải đấu tranh trong một thời gian ngắn mới đi đến ký hiệp định đình chiến với chính phủ của M. France. Không để cho đế quốc Mỹ và phái hiếu chiến ở Pháp lợi dụng để kéo dài Hội nghị Geneva và phá hoại đàm phán. Trung ương Đảng đã soạn thảo lại phương án chỉ đạo đàm phán ở Geneva gửi cho Đoàn đại biểu Việt Nam ở Geneva, gồm các điểm:
- Về quân sự, ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam, Miên, Lào; việc chia khu vực, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới; cấm đưa bộ đội, nhân viên quân sự mới vào các nước này sau khi ngừng bắn; không có căn cứ quân sự và liên minh quân sự;
- Về chính trị, thỏa thuận thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam; vấn đề Việt Nam tham gia Liên hiệp Pháp sau khi thống nhất; về Ủy ban quốc tế, đồng ý Ấn Độ, Ba Lan, Canada;
- Về phương châm đàm phán, chủ động giành lấy đình chiến ở ba nước Đông Dương; tích cực thúc đẩy và phải chủ động đưa ra phương án của ta.
Mười ngày cuối, từ ngày 10 đến 20/7 diễn ra các cuộc gặp gỡ, trao đổi ráo riết tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn và một phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn và một phiên họp toàn thể, bế mạc hội nghị.
Ngày 13/7, trong cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp M. France, Trưởng đoàn Việt Nam nêu đề nghị lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến tạm thời. M. France cự tuyệt với lý do Đà Nẵng, Huế và đường 9 là thiết yếu đối với đường giao thông của Lào ra biển.
Ngày 19/7, sau khi có sự trao đổi giữa các đoàn xã hội chủ nghĩa, đoàn Trung Quốc xác nhận với đoàn Pháp lập trường về đường giới tuyến đặt ở vĩ tuyến 17, cách 10km về phía bắc, tại sông Bến Hải.
Trước đó, đại diện Thủ tướng Ấn Độ đã đến gặp Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chuyển ý kiến của Chính phủ Ấn Độ ngỏ ý Việt Nam nên chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời cho hai khu vực tập kết.
Tại cuộc họp đêm 20/7/1954, 5 trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam vào phút chót mới thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng, và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm và công thức “khu đóng quân tạm thời đối với Phathet Lào”.
Như vậy, trải qua 31 phiên họp rất căng thẳng, với thiện chí của phái đoàn Việt Nam, rạng sáng ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết (tuy nhiên thời gian được ghi ở cuối các hiệp định: ký lúc 24 giờ ngày 20 tháng 7, để giúp cho M. France giữ được lời hứa trước Quốc hội và nhân dân Pháp là lập lại hòa bình trong vòng một tháng).
Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền nam-bắc, lấy cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời trong thời gian chờ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng "Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ". Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ".
Tuy nhiên, tháng 7/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm với sự hậu thuẫn của Mỹ đã trắng trợn xé bỏ Hiệp định Geneva, tuyên bố “khóa tuyến”, không Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Kể từ đây sông Bến Hải, cầu Hiền Lương thành đường biên giới 2 miền nam-bắc Việt Nam. Không chỉ chia cắt về địa giới, nhiều dòng họ và gia đình ở Vĩnh Linh, nhất là những gia đình ở dọc hai bên sông Bến Hải cũng lâm vào cảnh chia ly. Nỗi đau chung của dân tộc thấm sâu vào nỗi đau riêng của từng gia đình càng làm bùng cháy khát vọng hòa bình, thống nhất non sông, mong ước được đoàn tụ của mỗi người dân hai bờ nam-bắc dòng Hiền Lương.