Vì sao một ngày trên Trái Đất đang ngày càng dài ra

Thời gian của một ngày đang dài thêm, nhưng nguyên nhân của hiện tượng này vẫn còn là một ẩn số.

Nhiều năm gần đây, đồng hồ nguyên tử và các phép tính thiên văn học đã chỉ ra rằng vòng quay của Trái Đất đang tăng nhanh, đồng nghĩa với việc thời gian một ngày sẽ trở nên ngắn hơn. Ngày 29/6 vừa qua đã trở thành ngày ngắn nhất trên Trái Đất được ghi nhận từ khi áp dụng đồng hồ nguyên tử.

Tuy vậy, kể từ năm 2020, hiện tượng này bắt đầu đảo chiều. Tốc độ quay của Trái Đất lại dần chậm đi, tức là thời gian mỗi ngày trôi qua dài thêm. Theo trang tin khoa học Phys, nguyên nhân của hiện tượng này vẫn còn là một ẩn số.

Thời gian một ngày luôn thay đổi

Mặc dù đồng hồ trong các thiết bị điện tử vẫn chạy đủ 24 giờ, thời gian thực để hành tinh của chúng ta quay một vòng sẽ thay đổi tùy ngày. Sự thay đổi này có thể diễn ra trong hàng triệu năm hoặc thậm chí là xảy ra ngay lập tức.

Trong đó, động đất hay các cơn bão có thể là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Do đó, theo Phys , rất ít ngày trôi qua có thời gian chính xác 86.400 giây.

Nguyên nhân Trái Đất có tốc độ quay chậm dần vẫn chưa được làm rõ.

Hàng triệu năm qua, tốc độ quay của Trái Đất đang dần chậm lại do lực hấp dẫn của Mặt Trăng đối với Trái Đất, yếu tố gây ra hiện tượng thủy triều của các đại dương. Điều này khiến một ngày trên Trái Đất sẽ dài hơn khoảng 1,8 mili giây sau mỗi thế kỷ. Khoảng vài tỷ năm về trước, một ngày chỉ kéo dài 19 giờ.

Tuy nhiên, trong vòng 20.000 năm trở lại đây, quy trình này đang dần bị đảo ngược, tốc độ quay của Trái Đất đang tăng nhanh.

Kể từ khi kỷ băng hà kết thúc, tình trạng lượng băng tan lớn đã phân bổ lại trọng lượng cũng như trục quay của Trái Đất, đồng thời khiến lớp vỏ hành tinh dần di chuyển về hai phía cực. Lớp vỏ này càng di chuyển dần về phía trục, tốc độ quay của Trái Đất sẽ càng tăng lên. Hiện tượng này sẽ làm một ngày ngắn hơn khoảng 0,6 mili giây sau mỗi thế kỷ.

Ngoài ra, sự kết nối giữa bề mặt và cấu trúc lõi Trái Đất cũng là một trong những nguyên nhân cho hiện tượng ngày dài ra.

Chỉ một trận động đất đã có thể tác động đến vận tốc Trái Đất ở mức độ rất nhỏ, tính bằng mili giây. Đơn cử như trận siêu động đất 8,9 độ richter vào năm 2011 ở Nhật Bản đã dịch chuyển trục Trái Đất, làm giảm thời gian quay của Trái Đất đến 1,8 micro giây.

Ngoài những nhân tố ảnh hưởng với quy mô lớn như trên, những sự kiện thời tiết thông thường cũng có ảnh hưởng đến vòng quay của Trái Đất như sự di chuyển của các khối khí lớn, hải lưu, mùa tuyết, mưa hàng năm, Phys cho biết.

Ngày đang dài thêm

Kể từ những năm 1960, khi các đài quan sát vô tuyến bắt đầu dùng kỹ thuật giao thoa với đường cơ sở rất dài (VLBI) để quan sát các chuẩn tinh ở cực xa so với Trái Đất, con người có thể đo lường chính xác tốc độ quay của Trái Đất. Khi so sánh với đồng hồ nguyên tử, chúng ta sẽ nhận ra được ngày đang dài thêm hay ngắn đi.

Điều đáng nói là hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác lý giải hiện tượng ngày trên Trái Đất đang ngày càng dài thêm, bắt đầu được ghi nhận từ năm 2020.

Vì sao một ngày trên Trái Đất đang ngày càng dài ra

Các tác động của Mặt Trăng được cho là ảnh hưởng đến vận tốc quay của Trái Đất. Ảnh: NASA.

Tiến sĩ toán học Leonid Zotov từ Đại học Quốc gia Moscow (Nga) từng đặt giả thuyết rằng dao động Chandler (Chandler wobble) làm ảnh hưởng đến tốc độ quay của Trái Đất. Theo Business Insider , hiện tượng này mô tả sự chênh lệch trong chuyển động quay trên trục Trái Đất, lần đầu được phát hiện vào cuối thập niên 1880.

Một giả thuyết khác lại cho rằng có một điều gì đó đã thay đổi bên trong Trái Đất. Đó có thể là ảnh hưởng của thủy triều kết hợp với các chu trình khác đã tạm thời thay đổi vận tốc của hành tinh, theo Phys .

Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng ngày dài thêm sẽ ảnh hưởng đến quỹ thời gian của con người. Hiện tượng này tác động đến các hoạt động thường ngày, đồng hồ sinh học của chúng ta. Bên cạnh đó, nó còn có thể làm sai lệch các công nghệ hiện đại như GPS.

Theo Phys , nếu một ngày trên Trái Đất dài thêm, con người có thể sẽ cần sử dụng giây nhuận âm (negative leap second), trừ đi một giây trên đồng hồ nguyên tử. Điều này sẽ gây hàng loạt vấn đề mới cho các phần mềm dựa vào bộ hẹn giờ hoặc hoạt động theo lịch trình, thậm chí làm sụp đổ toàn bộ mạng lưới Internet trên thế giới và hệ thống định vị GPS.

Theo Zing

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.