Sau 8 năm kể từ khi Đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya lại đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, chia rẽ với nhiều phe phái. Hiện tại, hai phe phái chính trị lớn nhất đang nắm quyền song hành tại Libya là Chính phủ Hòa giải Dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez Al-Sarraj được Liên Hợp Quốc công nhận và chính quyền ở miền Đông được Quốc hội Libya bầu và được Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo ủng hộ.
Được biết, GNA kiểm soát khu vực tây nam Libya cùng thủ đô Tripoli, còn LNA kiểm soát ở miền đông đất nước. Tư lệnh Khalifar Haftar, người đóng vai trò lớn trong cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi 8 năm trước, được coi là chỉ huy quân sự mạnh nhất ở Libya .
Nội chiến ác liệt bùng phát tại Libya. Ảnh: Sputnik. |
Trong 8 năm qua, dù Tướng Haftar đã nắm quyền kiểm soát phần lớn miền Đông Libya, mục tiêu chính của vị tư lệnh này là vẫn muốn chiếm giữ cả thủ đô Tripoli.
Có thể thấy, từ tháng 1/2019, quân đội LNA do tướng Haftar lãnh đạo liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự phía nam Libya, và rõ ràng chưa từ bỏ ý định đánh chiếm Tripoli.
Đến cuối tháng 2/2019, Tướng Haftar và Thủ tướng Libya được Liên Hợp Qốc công nhận Fayez al-Sarraj đã đối thoại ở Abu Dhabi. Khi đó, hai bên đã nhất trí tổ chức tổng tuyển cử và tiến hành các bước đi nhằm mang lại ổn định cho đất nước này.
Tuy nhiên, tình hình đột ngột leo thang vào ngày 4/4 vừa qua, khi Tướng Haftar ra lệnh cho lực lượng miền đông kéo quân về phía thủ đô Tripoli, mở cuộc tấn công lớn để chiếm miền Tây Libya, đặc biệt là Tripoli. Trong khi đó, hàng trăm xe tải chở các tay súng từ nhiều phe phái khác nhau ở miền tây Libya kéo về Tripoli để tiếp viện cho GNA.
Ngày 7/4, LNA tiến hành không kích nhằm vào các lực lượng được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở phía nam thủ đô Tripoli.
Cùng ngày, phát ngôn viên lực lượng chính phủ GNA tuyên bố phát động chiến dịch quân sự chống lại quân đội LNA. Phát ngôn viên lực lượng vũ trang GNA, Mohammed Qanouno, tuyên bố phát động chiến dịch quân sự "núi lửa giận dữ" nhằm "quét sạch những kẻ ngoài vòng pháp luật ra khỏi mọi thành phố ở Libya".
Thủ tướng Fayez al-Serraj cũng chỉ trích chiến dịch của LNA là một cuộc đảo chính nhằm gây mất ổn định quốc gia, đồng thời kêu gọi quốc tế lên án những diễn biến tại Libya gần đây.
Sau gần 8 năm, Libya một lần nữa lại đứng bờ vực khủng hoảng với các cuộc đụng độ ác liệt giữa các phe phái gần thủ đô Tripoli đã khiến hàng chục người thương vong.
"Dựa trên thông tin của văn phòng hoạt động trung tâm của Bộ Y tế Libya, số thương vong trong các cuộc đụng độ gần thủ đô Tripoli là 21 người chết và 27 người bị thương", Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Bộ Y tế Libya ngày 8/4.
Bất chấp việc nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi chấm dứt xung đột, các cuộc đụng độ dữ dội vẫn đang tiếp diễn ở vùng ngoại ô Tripoli. Nếu không có biện pháp giảm căng thẳng, đây có thể sẽ trở thành cuộc đụng độ đẫm máu nhất kể từ cuộc nội chiến năm 2011 tại quốc gia Châu Phi này.