Là người con sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, nên dù sinh sống ở xa nhưng mỗi dịp nghỉ lễ, tôi lại cùng gia đình về quê. Nhất là dịp hè, điểm du lịch lý tưởng nhất của tôi vẫn là biển Hà Tĩnh.
Tôi không bàn về hạ tầng đầu tư, chưa nói về cách thức tổ chức du lịch biển mà tôi chỉ cảm nhận được rằng, các bãi biển đẹp và nhất là tình người. Cái tình cảm giữa các du khách, của người kinh doanh du lịch và khách hàng mới ấm áp, chân chất lắm thay.
Đơn cử như dịp 30/4, 1/5 vừa rồi, gia đình tôi và gia đình mấy người bạn cùng xuống Thạch Hải (Thạch Hà) tắm biển. Biển chiều đông nườm nượp du khách. Chúng tôi chọn 1 nhà hàng, gửi hành lý và xuống tắm biển. Vì có thêm trẻ con và người lớn tuổi, tôi lấy 5 cái phao của 1 người đàn ông trung tuổi đang cho thuê bên đường. Khi lấy phao, tôi chỉ nói: Cháu thanh toán sau vì không mang theo tiền. Và, ông đồng ý.
Tắm biển xong, các thành viên lên tự trả phao và tắm nước ngọt. Sau đó, tôi ra trả tiền phao thì ông Đức (người cho thuê phao trước đó) vui vẻ: Có chị gì trả rồi. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông cười: Trả rồi là được. Thà xin chứ tôi không lấy thêm của ai bao giờ.
Lân la làm quen, ông Đức cho biết: Ông cho thuê phao ở đây mấy năm rồi. Mấy ngày lễ như thế này, cũng kiếm được 200 – 300 nghìn đồng, còn ngày thường không được mấy. Tôi ngạc nhiên vì giá thuê mỗi phao 20 nghìn đồng mà tổng thu thấp, thì được ông Đức giải thích: Thì đấy, nhiều người dùng phao tắm biển xong quên không trả tiền thuê hoặc họ “không nhớ” giao dịch trước đó. Thôi kệ, tôi cũng không đòi, cứ coi như mình đã giúp du khách an toàn trên biển.
Vâng, những người làm du lịch biển như ông Đức chỉ đơn giản thế thôi, họ chỉ coi đó là một khoản thu nhập thêm vào dịp hè và nhiều khi “chỉ vì an toàn của du khách”. Đó cũng là lý do mà tôi mãi yêu biển Hà Tĩnh quê mình.