Cụ thể, trong thông cáo vừa phát đi Bộ Công thương cho rằng, mức thuế mà Hoa Kỳ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức.
Sản xuất phôi thép tại nhà máy luyện thép. (Ảnh: TTXVN) |
Bộ Công Thương cũng đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Theo phán quyết được DOC đưa ra ngày 15/3/2018 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ.
Trong suốt quá trình rà soát, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC nhưng rất tiếc DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng. Đồng thời, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra của mình khi áp mức thuế rất cao tính theo AFA cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương cho hay, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngành thép hành động
Ở lĩnh vực khác, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng vừa cho biết, Hiệp hội đã tổng hợp và đang tiếp tục có kiến nghị lên các bộ, ngành về việc Mỹ quyết định áp dụng thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép của Việt Nam.
Trên nhiều tờ báo, các doanh nghiệp thép cũng lên tiếng cho rằng việc áp dụng mức thuế trên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, đã đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam đứng ra làm đầu mối cho các doanh nghiệp có tiếng nói, văn bản tác động đến Chính phủ/Bộ Công Thương/Cục Phòng vệ thương mại và nhanh chóng có giải pháp giúp đỡ ngành thép Việt Nam bảo vệ được thị trường Mỹ.
Ông Thanh cho hay, theo tình hình thực tế, lượng xuất khẩu sản phẩm thép từ Việt Nam chỉ chiếm thị phần không đáng kết trong tổng nhập khẩu thép vào Mỹ, do đó, không thể gây ra hoặc đe dọa thiệt hại cho ngành sản xuất thép của Mỹ. Như vậy, Việt Nam vẫn còn có cơ hội được Mỹ miễn giảm thuế.
Về phía đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á thì cho rằng, trong vấn đề sản xuất, cần sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ nhà máy cấp 1, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu-chứng cứ gồm nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm đầu ra...
Đồng thời xây dựng quy trình làm việc và lưu trữ hồ sơ chuẩn, đoàn kết phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành, hợp tác tích cực với các cơ quan điều tra... để có được kết quả tốt nhất trong việc bảo vệ thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giải pháp căn bản nhất là các doanh nghiệp thép phải liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao khả năng quản trị, sản xuất thì mới có thể nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, bao gồm cả về chất lượng, giá cả, dịch vụ, bảo hành...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nâng cao sự hiểu biết về thương mại quốc tế, các quy định của WTO, luật pháp của các nước để tránh rủi ro thương mại.
Đồng thời cần có sự phân bổ thị trường hợp lý, không nên chỉ tập trung vào một thị trường, để tránh tình trạng sản lượng tăng đột biến, là cái cớ để các nước dựng lên hàng rào thương mại.