Qua rà soát một phần nội dung trên trang YouTube, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) phát hiện 17 video với nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, như: bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc... Trước và trong khi các video này được phát, nhiều hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam cũng xuất hiện, gây tổn hại đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay khi người dùng tìm kiếm và vào xem các video về một nội dung, chương trình cụ thể trên YouTube, giao diện của kênh này còn xuất hiện một số video có nội dung sai trái để thu hút quan tâm của người sử dụng.
"YouTube có tính năng gợi ý các video có nội dung tương tự nội dung người sử dụng đã xem hoặc tìm kiếm, nhưng có thể dẫn người xem đến cả những nội dung hoàn toàn không liên quan. Ví dụ, bạn xem một video ca nhạc nhưng phía bên cột phải giao diện, YouTube lại hiển thị một số video vi phạm thuần phong mỹ tục. Việc YouTube cho phép video có nội dung xấu tiếp tục tồn tại và cung cấp đến đa số người dùng Việt Nam", đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện một doanh nghiệp cho hay không hề biết việc quảng cáo nhãn hàng, sản phẩm của mình bị gắn vào những video có nội dung xấu như trên. "Chúng tôi sẽ làm việc với các bộ phận để tìm hiểu sự việc. Nếu có thực trạng đó thì chúng tôi sẽ làm việc lại với đối tác quảng cáo trên những kênh này", vị này nói.
Trong khi đó, đại diện Google (đơn vị điều hành YouTube) cũng khẳng định trang web có chính sách chung cho tất cả các video, trong đó nếu người dùng cảm thấy một video có nội dung không phù hợp, họ có quyền gửi cảnh báo (report) cho đội ngũ của YouTube để xử lý. Các nội dung quảng cáo hiện được xếp theo cơ chế tự động và nếu cảm thấy không phù hợp, người dùng hay doanh nghiệp cũng có thể thông báo để gỡ bỏ.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng: "Tình trạng trên diễn ra có trách nhiệm của cả YouTube, các công ty quảng cáo và doanh nghiệp sở hữu nhãn hàng quảng cáo khi không kiểm tra, tìm hiểu xem nhãn hàng của mình được đặt ở vị trí nào. Việc này vi phạm quy định của Luật quảng cáo", ông Do cho hay.
Ông cũng nhấn mạnh các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google hay Facebook… phải tuân thủ quy định pháp luật, phù hợp với đặc điểm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ trong nước nói chung. "Chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp kỹ thuật và chế tài phù hợp nếu những đơn vị này không tuân thủ", ông nhấn mạnh.
Bộ Thông tin & Truyền thông đang triển khai một loạt biện pháp để xử lý, như sẽ triệu tập các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm quảng cáo vi phạm để giải trình. Cơ quan này cũng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo. Đặc biệt, đại diện Bộ sẽ triển khai các cuộc gặp với YouTube và Google để yêu cầu hợp tác gỡ bỏ thông tin sai phạm nói trên.