Việt Nam giảm số lượng tên lửa Kh-35E
Trong bản báo cáo mới nhất về tình hình mua sắm quốc phòng thế giới do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, có một chi tiết rất đáng quan tâm liên quan đến số lượng tên lửa chống hạm Kh-35E mà Việt Nam đặt mua từ Nga.
Cụ thể, trong những bản báo cáo trước đó SIPRI cho biết, Việt Nam và Nga trong năm 2004 đã ký hợp đồng cung cấp tới 400 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E, công việc chuyển giao bắt đầu từ năm 2008 và cho tới năm 2015 chúng ta đã nhận 168 quả.
Theo báo cáo vừa được công bố, nhà sản xuất Nga đã giao thêm cho Việt Nam 40 quả tên lửa trong năm 2016, tuy nhiên, tổng số lượng tên lửa của hợp đồng trên đã bị giảm xuống chỉ còn 300 quả.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến số lượng tên lửa Kh-35 Việt Nam đặt mua bị giảm bớt 25%?
Một trong những khả năng được giới truyền thông và chuyên gia quân sự quốc tế nhắc tới là số tên lửa giảm bớt này sẽ được thay thế bởi phiên bản nội địa KCT 15.
Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc triển lãm được tổ chức nhân dịp Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tên lửa hành trình chống hạm KCT 15 (dựa trên nguyên mẫu Kh-35 Uran-E của Nga) do Việt Nam chế tạo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của báo giới trong nước.
Sau đó vài tháng, Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) đã tiết lộ rằng, họ đã chuyển giao 3 mẫu thiết kế của các phiên bản tên lửa khác nhau (phóng từ trên không, bờ biển và tàu chiến mặt nước), theo yêu cầu từ phía Việt Nam.
Hiện tại, chưa có thông tin nào liên quan đến tiến độ thực hiện dự án KCT 15 được công bố trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh của nó cũng chỉ xuất hiện thêm một lần duy nhất trong một phóng sự của Kênh truyền hình quốc phòng.
Tên lửa KCT 15 xuất hiện trong cuộc triển lãm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X |
Việt Nam đã làm chủ công nghệ tên lửa Kh-35UE?
Dựa trên báo cáo của SIPRI, giới chuyên gia quân sự nhận định rằng, có thể Việt nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất KCT-15 và sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn tới, đó là lý do chính khiến đơn hàng Kh-35 được cắt giảm.
Trong tương lai không xa, tên lửa KCT 15 sẽ trở thành vũ khí chống hạm nòng cốt của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Những quả tên lửa chống hạm "Made in Viet Nam" sẽ sớm hoàn thiện để trang bị cho tàu hộ vệ Gepard 3.9 và tàu tên lửa Molniya 1241.8, hệ thống phòng thủ bờ biển Bal-E, thậm chí cả tiêm kích Su-30MK2.
Nếu nhận định trên chính xác, đây thực sự là viễn cảnh rất đáng để trông đợi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của cả nền công nghiệp quốc phòng nội địa lẫn năng lực tác chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam, bởi KCT-15 Việt Nam là phiên bản tối tân nhất của dòng Kh-35.
Theo công bố của nhà thiết kế Zvezda, Kh-35E có tầm bắn 130 km, tốc độ cận âm Mach 0,8. Nhưng phiên bản được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam là Kh-35UE (Super Uran) có tầm phóng lên tới 260km, đồng thời có các hệ thống thiết bị tiên tiến hơn.
So với nguyên bản, hình dáng cũng như kích thước bên ngoài của Kh-35UE không có sự thay đổi lớn, do đó, nếu trang bị tên lửa Kh-35 Uran-E, thiết kế của các tàu nổi Việt Nam cũng sẽ không phải thay đổi gì, nhưng uy lực tấn công thì đã tăng lên rất nhiều.
Với các tên lửa hành trình Kh-35UE/KCT-15, khả năng tấn công đối hạm của hải quân Việt Nam sẽ trở nên mạnh nhất Đông Nam Á, đủ sức đương đầu với các cường quốc sở hữu các chiến hạm hạng nặng.