Hiện nay trên thế giới có 3 mẫu tiêm kích tàng hình đang được các cường quốc quân sự tích cực hoàn thiện tính năng, đó là F-35 của Mỹ, Su-57 (PAK FA) của Nga và J-20 của Trung Quốc.
Tuy nhiên trong danh sách trên chỉ có F-35 cùng với Su-57 được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu cao.
Nhưng để mua được chiến đấu cơ thế hệ 5, đòi hỏi đầu tiên là quốc gia đặt hàng phải trong danh sách đồng minh cực kỳ thân thiết với nước sản xuất, vì tiêm kích tàng hình vẫn là sản phẩm thuộc loại "quốc bảo" của họ, mang trong mình nhiều công nghệ cao không dễ gì chia sẻ.
Chính vì vậy mà trong khu vực Đông Nam Á, triển vọng sở hữu tiêm kích thế hệ 5 trước tiên đang thuộc về hai ứng viên sáng giá nhất là Không quân Singapore và Không quân nhân dân Việt Nam do có mối quan hệ mật thiết với hai nhà cung cấp là Mỹ và Nga.
Tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II của Không lực Hoa Kỳ |
Được biết Singapore đã tham gia chương trình F-35 vào năm 2003 với tư cách là thành viên hợp tác an ninh, cho phép Bộ Quốc phòng nước này tìm hiểu cấu hình máy bay và các điều chỉnh có thể đáp ứng nhu cầu hoạt động cụ thể của họ.
Đến tháng 12/2014, Singapore gửi tới Mỹ "bức thư đề nghị" để chính thức tìm hiểu thông tin về quy trình mua F-35.
Sang năm 2015, Singapore bày tỏ mối quan tâm đối với F-35B - phiên bản phức tạp nhất, với khả năng cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng được thiết kế dành cho Thủy quân lục chiến Mỹ.
Tưởng như hợp đồng mua sắm F-35 được ký kết tới nơi thì bất ngờ tới tháng 6/2016, ông Ng Chee Khern - thư ký thường trực của chương trình phát triển quốc phòng Singapore đã thông báo tới Bộ Quốc phòng Mỹ về quyết định tạm hoãn kế hoạch mua 4 tiêm kích F-35 vào năm 2022 (theo một bản thỏa thuận dự kiến, trong đó có tùy chọn mua thêm 8 máy bay nữa).
Tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi Su-57 (PAK FA) của Nga |
Trong khi đó, tạp chí Defense News của Mỹ cho rằng Việt Nam và Nga có thể đạt được thỏa thuận cung cấp tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK FA (Sukhoi T-50) vào những năm 2020.
Ngoài ra dữ liệu của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) còn cho biết cụ thể hơn là Việt Nam sẽ đặt hàng 12 - 24 chiến đấu cơ loại này vào khoảng năm 2030 - 2035.
Nhưng theo ý kiến của Đại tá Makar Aksenenko - Phó tiến sĩ khoa học quân sự Nga thì nên cẩn trọng với những dự báo trên, nguyên nhân chủ chốt nằm ở việc dòng tiêm kích tối tân T-50 vẫn chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm cấp nhà nước, chưa được trang bị cho Không quân Nga, cho nên không nên nhầm lẫn giữa ước mơ với hiện thực.
Chuyên gia quân sự Nga đã khuyên rằng khách hàng không thể xem xét khả năng đưa vào biên chế một máy bay chưa được bắt đầu sản xuất hàng loạt tại chính quốc gia phát triển nó.
Đặc biệt hơn trong cuộc họp báo tại Triển lãm hàng không Paris Airshow 2017, Tổng giám đốc Rosoboronexport, ông Aleksandr Mikheev nói rằng "Trong tương lai gần, Nga sẽ không xuất khẩu các mẫu vũ khí hiện đại nhất, trong đó có tiêm kích thế hệ 5 T-50".
Như vậy sau khi điểm qua một vài diễn biến, theo nhận định từ nhiều chuyên gia quân sự thì Việt Nam và Singapore vẫn là hai ứng viên sáng giá nhất sẽ sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 trước tiên trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên khả năng Singapore sẽ được trang bị F-35 trước khi Việt Nam có thể mua Su-57, vì Lightning II đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt với số lượng lớn và tính năng ngày càng hoàn thiện hơn.