Việt Nam quan sát được siêu trăng

Hai lần siêu Trăng trong cùng một tháng sẽ diễn ra vào đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2/8 và rạng sáng 31/8.

Những người yêu thích thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng hai lần trăng tròn tháng 8 và điều thú vị chúng đều là siêu Trăng, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) chia sẻ với VnExpress. Siêu Trăng sẽ trông lớn và sáng hơn vì đến gần Trái Đất hơn bình thường (khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng là 384.400 km).

Siêu trăng thứ nhất diễn ra vào đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2/8, là sự kiện đặc biệt đối với những người quan sát bởi Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất 357.530 km. Lần trăng tròn thứ hai trong tháng vào ngày 31/8, gọi là Trăng xanh với khoảng cách 357.344 km.

Ông Sơn giải thích, vì Mặt Trăng di chuyển quanh Trái Đất theo một quỹ đạo hình elip nên có những thời điểm nó tới gần Trái Đất hơn những thời điểm khác. Điểm gần Trái Đất trên đường đi đó được gọi là điểm cận địa. Khi Mặt Trăng đi qua điểm này vào lân cận thời điểm trăng tròn, sự kiện này gọi là siêu Trăng.

“Vào những đêm như vậy, chúng ta thấy Trăng tròn sẽ lớn hơn một chút và sáng hơn thông thường khoảng 15%”. Ông cho biết thêm độ sáng này đủ để khiến trăng trông sáng và lớn hơn so với những đêm Trăng tròn thông thường, song sẽ không tạo sự khác biệt quá rõ rệt nếu điều kiện quan sát không thuận lợi (khi trời có mây hoặc bầu trời quá ô nhiễm).

Việt Nam quan sát được siêu trăng

Siêu trăng mọc trên những ngọn đồi phía nam Eugene, Oregon ngày 2/7, đợt siêu trăng đầu tiên của năm 2023. Ảnh: Chris Pietsch/ USA Today Network

Tại Việt Nam, việc quan sát sự kiện này hoàn toàn như đối với Trăng tròn thông thường, tức là chỉ cần trời ít mây, đủ để nhìn thấy Mặt Trăng. Người quan sát cũng không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ bảo vệ mắt nào khi quan sát.

Về việc xuất hiện hai lần trăng tròn liên tiếp trong cùng một tháng, ông Sơn nhận định “không quá hiếm”. Theo chu kỳ tuần Trăng (khoảng thời gian giữa hai lần Trăng tròn liên tiếp) là 29,53 ngày, trong khi tháng Dương lịch thường có 30 hoặc 31 ngày, khiến cho hai lần Trăng tròn có thể rơi vào cả đầu và cuối tháng Dương lịch. Theo quan niệm văn hóa của một số quốc gia phương Tây, lần Trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng được gọi là Trăng xanh (Blue Moon).

Ông nhấn mạnh thực tế đây chỉ là tên gọi mang tính văn hóa, Mặt Trăng không bao giờ có màu xanh mà gọi là Trăng xanh của tháng. Cứ trung bình hơn một năm thì có một lần Trăng xanh theo cách tính này. Tuy nhiên, để có 2 lần Trăng xanh trong cùng một năm lại khá hiếm. Lần gần nhất Trăng xanh xuất hiện trong cùng một năm là vào tháng 1 và tháng 3/2018 và lần tiếp theo sẽ là tháng 1 và tháng 3/2037.

Việt Nam quan sát được siêu trăng

Siêu Trăng tháng 7. Ảnh: Giang Huy

Trăng tròn tháng 8 được người ở châu Mỹ gọi là Trăng cá tầm (Sturgeon Moon) vì đây là thời điểm nhiều cá tầm nhất ở vùng hồ lớn Bắc Mỹ. Đây là loài cá nước ngọt lớn nhất ở lục địa này, có thể dài hơn 2 mét và nặng tới 90 kg. Ngoài ra, hiện tượng này còn một số tên gọi khác nhưng đều chỉ phản ánh văn hóa hoặc đặc điểm tự nhiên của từng vùng, không phản ánh bất cứ đặc điểm nào của Mặt Trăng mà chúng ta quan sát được. Mặt Trăng luôn có màu váng-trắng khi xuất hiện trên bầu trời và ngả sang màu cam hoặc đỏ nhiều hơn khi ở gần chân trời.

Siêu trăng 2023 diễn ra 4 đợt liên tiếp vào các tháng 7,8 và 9. Vào đợt siêu trăng cuối cùng của năm 2023 hôm 28/9, Mặt Trăng sẽ bay cách Trái Đất 361.552 km. Năm 2024 chỉ có hai đợt siêu trăng, lần lượt vào các ngày 18/9 và 18/10.

Theo VNE

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.