Vũng Áng vẫn là đầu tàu phát triển công nghiệp của Hà Tĩnh
Thời gian cuối năm hối hả, cán bộ, nhân viên Công ty CP Sợi Vinatex Hồng Lĩnh vẫn miệt mài với guồng quay của máy móc, của nhịp điệu sản xuất. Năm 2016 đánh dấu thành công rực rỡ của ngành dệt may cả nước nói chung và Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh nói riêng.
Ông Dương Đình Tân - Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Mặc dù năm 2016, kinh tế suy thoái nhưng công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, nhà máy vẫn giữ được nhịp độ sản xuất đều đặn với lượng sản phẩm ước đạt 5.158 tấn, tăng 26,18%”.
Công ty CP Sợi Vinatex Hồng Lĩnh hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động
Bên cạnh sự bứt phá của sản phẩm sợi, bia cũng có bước nhảy vọt với tổng lượng ước đạt 61 triệu lít, tăng 5,16%. Dù chỉ số sản xuất một số sản phẩm giảm, đặc biệt, nhà máy thép Formosa chưa đi vào hoạt động như dự kiến và Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I gặp sự cố nhưng với sự tăng trưởng đồng đều trên các lĩnh vực nên năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 15,37% so với năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 14.339,37 tỷ đồng.
Dấu ấn nổi bật nhất trong bức tranh toàn cảnh của công nghiệp Hà Tĩnh năm qua là đã quyết định chủ trương đầu tư 108 dự án (tăng 22 dự án so với năm 2015), bao gồm 100 dự án đầu tư trong nước và 8 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số dự án quy mô vốn lớn được quyết định chủ trương đầu tư như: Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà); Nhà máy Sản xuất gỗ ván ép MDF, HDF Thanh Thành Đạt tại huyện Vũ Quang...
Công nhân Công ty cổ phần May Hà Tĩnh vào ca.
Bên cạnh đó, những “siêu” dự án như: Khu liên hợp gang thép, lọc hóa dầu và cảng nước sâu Sơn Dương; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I; Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh; dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng... bước đầu đã đi vào sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà.
Cùng với công tác thu hút đầu tư, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, sản xuất CN-TTCN được tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã thành lập mới 930 doanh nghiệp (bao gồm các đơn vị trực thuộc), tăng 7,9% so với năm 2015. Kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân phát triển nhanh; tỷ lệ hợp tác xã chuyển đổi toàn tỉnh đạt 97,64%. Công tác đầu tư và phát triển khu, cụm công nghiệp tập trung những năm gần đây được Hà Tĩnh quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh thành lập 18 cụm công nghiệp, đã thu hút được 233 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 135 dự án đã triển khai.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Để phát triển CN-TTCN theo hướng hiện đại, bền vững, Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm đúng tiến độ, nhất là dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng; đồng thời, thu hút và phát triển các dự án công nghiệp phụ trợ nhằm tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc lập, rà soát, điều chỉnh và quản lý quy hoạch có hiệu quả; hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch ngành công nghiệp phụ trợ, hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp”.
Năm 2016 đi qua với bao thăng trầm, dẫu còn nhiều thách thức và khó khăn nhưng công nghiệp Hà Tĩnh vẫn đang đi đúng lộ trình và dần hiện rõ hình hài của một trung tâm công nghiệp miền Trung. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên tinh thần bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, Hà Tĩnh đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn mạnh, xứng tầm trong thời gian không xa.