Nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai, thậm chí đỉnh dịch thứ hai có thể trở thành hiện thực ở một số nơi trên thế giới khi chính quyền vội vã nới lỏng giãn cách xã hội để tái mở cửa nền kinh tế. Hậu quả là các nước phải tốn rất nhiều công sức để khoanh vùng, xử lý ổ dịch mới, và không loại trừ phải áp dụng phong tỏa lần 2.
Nga ghi nhận số tử vong mới cao kỷ lục, tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong ngày lại ở mức thấp nhất kể từ ngày 2/5. (Nguồn: AP). |
Italy là ví dụ cho tình trạng lây nhiễm tăng mạnh sau khi nới lỏng phong tỏa. Số ca mắc hàng ngày luôn ở 3 con số và số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới (33.142), chỉ sau Mỹ và Anh. Biểu đồ lây nhiễm đi xuống nhưng nhanh chóng dựng đứng cũng đã diễn ra ở Mỹ sau khi nhiều bang tái mở cửa nền kinh tế.
Hôm 24/5, Tổng thống Mỹ lạc quan tuyên bố trên Twitter, số ca mắc và tử vong đang đi xuống trên toàn liên bang thì chỉ 2 ngày sau, báo chí cập nhật thông tin, số ca mắc hàng ngày sau nhiều tuần lễ giảm đã bất ngờ tăng đồng thời cả ở quy mô toàn quốc và các vùng đô thị bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Phần lớn các khu vực có ca mắc tăng trở lại là những bang đầu tiên tái mở cửa nền kinh tế từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và bỏ qua 1 trong các tiêu chí hướng dẫn của Nhà trắng là số ca mắc phải giảm liên tục trong 14 ngày mới được phép tái mở cửa. Một nghiên cứu của Đại học Columbia cũng chỉ ra rằng, nếu chính quyền liên bang ra lệnh giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa chỉ sớm hơn 1 tuần, thì đã có thể cứu được 36.000 người.
Các nhà dịch tễ học trong nhiều tháng qua đã cảnh báo nguy cơ khi tái mở của nền kinh tế quá sớm. Đồng tình quan điểm này, Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo đỉnh dịch thứ hai, nguy hiểm hơn cả làn sóng lây nhiễm thứ hai, nếu lệnh phong tỏa được dỡ bỏ quá sớm.
Ông Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO kêu gọi các nước thận trọng để ngăn đợt dịch Covid-19 thứ hai: “Chúng ta cần nhận ra một thực tế, dịch bệnh có thể bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào. Chúng ta không thể đinh ninh rằng, dịch bệnh đang ở đà đi xuống mà lơ là để rồi sau đó đối mặt làn sóng dịch thứ hai. Chúng ta có thể có đỉnh dịch thứ hai. Do vậy, tôi nghĩ các nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, ở Đông Nam Á và nhiều nơi khác cần tiếp tục áp dụng các giãn cách xã hội và y tế cộng đồng cùng các biện pháp giám sát, xét nghiệm và có chiến lược toàn diện để đảm bảo không có đỉnh dịch thứ hai”.
Rút kinh nghiệm không nới lỏng nhanh và dù có thời gian phong tỏa dài hơn cả Vũ Hán (nơi khởi phát dịch Covid-19) của Trung Quốc, thủ đô Manila của Philippines hôm qua (28/5) vẫn ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày, với 539 ca mắc mới.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Duterte vẫn quyết định nới lỏng phong tỏa ở Manila từ ngày 1/6 dựa trên lập luận tỷ lệ tử vong ở nước này khá thấp, 90% số ca mắc là thể nhẹ, chỉ dưới 2% là nặng và nguy kịch.
Nhiều nước mà ngành du lịch được coi là “xương sống” của nền kinh tế như Tây Ban Nha đã quyết áp dụng việc mở cửa từ từ, chỉ đón du khách từ các nước và vùng lãnh thổ được cho là an toàn dưới góc độ dịch tễ học.
Từ thực tế ở Hàn Quốc khi cho phép mở cửa trở lại các quán bar, hộp đêm làm bùng phát các chuỗi lây nhiễm, bà Katie Smallwood, quan chức của WHO lưu ý, việc mở cửa những địa điểm tập trung đông người, khoảng cách gần nhau như quán bar, sàn nhảy và các trung tâm xã hội khác thì cần có hệ thống phát hiện, xét nghiệm và truy vết tốt nhằm nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch.
“Khi mở cửa các cơ sở kinh doanh như quán bar, hộp đêm thì cần phải có hệ thống y tế đủ năng lực để phát hiện virút lây nhiễm như thế nào, từ đâu. Quan trọng hơn cả là hệ thống y tế, hệ thống kiểm soát dịch bệnh cần phải nhanh chóng nắm rõ các ca bệnh lây nhiễm từ đâu, tìm ra ngay người tiếp xúc và đảm bảo có phương án can thiệp y tế nhằm chặt đứt chuỗi lây nhiễm”, bà Katie Smallwood nói.