Trên thực tế, các vụ nổ hạt nhân đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi mặt. Đến năm 1963, các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh đã có khả năng phát nổ hạt nhân dưới nước, trên không, trên mặt đất, và đã thử hàng nghìn quả bom hạt nhân nặng hàng trăm kilotons đến hàng chục megatons.
Nhiều thao trường thử nghiệm hạt nhân cũ vẫn còn là những nơi hoang vắng, không còn là nơi phù hợp để con người cư trú.
Ví dụ, trong một thời gian dài Lầu Năm Góc đã sử dụng thiên đường Bikini Atoll (đảo san hô vòng Bikini), một phần của Cộng hòa Quần đảo Marshall, để thực hiện các vụ nổ hạt nhân và nhiệt hạch. Ví dụ như vào ngày 1 tháng 3 năm 1954, Castle Bravo - mật danh của quả bom hydro mạnh nhất của Mỹ - đã được thử nghiệm ở đây.
Các nguồn tin ở Hoa Kỳ nhấn mạnh, Castle Bravo là vụ nổ bẩn nhất trong toàn bộ lịch sử thử nghiệm hạt nhân của Mỹ. Lần đầu tiên Hoa Kỳ đã sử dụng nhiên liệu lithium deuteride cho tầng nhiệt hạch. Theo ước tính, Castle Bravo có công suất phá từ bốn đến tám megaton nhưng thực tế lại nổ tới 15 megaton.
Các nhà quan sát tại nơi trú ẩn đã mô tả ảnh hưởng của vụ nổ như một trận động đất mạnh, bởi vì hầm trú ẩn kiên cố đã rung chuyển rất mạnh. Riêng đám mây hình nấm của nó to hơn đáng kể so với thử nghiệm nhiệt hạch đầu tiên (ngày 1 tháng 11 năm 1952) lên cao 60 km, rộng tới 100 km, cột của đám mây hình nấm cao 7 km. Vụ nổ đã gây ra thiệt hại rất lớn.
Khu vực dài hơn 550 km và rộng khoảng 100 km đã bị ô nhiễm. Bảy tiếng rưỡi sau vụ nổ, sóng chấn động của quả bom được ghi nhận ở khoảng cách 240km trên đảo san hô Rongerik. Ít nhất 28 quân nhân Mỹ có mặt tại bãi thử bị nhiễm xạ nặng và được khẩn cấp đưa đi cấp cứu, tàu cá Nhật Bản Fukuryu-Maru cách tâm vụ nổ 170km cũng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ.
Kết quả là, các thủy thủ Nhật Bản bị khuyết tật sau khi tiếp nhận gần 300 tia X. Sáu tháng sau đó, chuyên gia điều hành vô tuyến điện của tàu đánh cá đã chết.
Làn sóng phản đối hành động thử bom khinh khí của Mỹ tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác lên cao sau đó.
Bom, tên lửa hạt nhân là vũ khí có sức công phá mạnh nhất mà con người chế tạo ra |
Phía Liên Xô cũng góp phần tích cực vào cuộc đua hạt nhân. Tsar Bomba (Bom Sa hoàng), tên hiệu của quả bom khinh khí AN602 với sức công phá 58 megaton được phát triển ở Liên Xô vào những năm 1954-1961, là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất mà con người từng cho nổ trong lịch sử.
Quả bom là một con quái vật cao 8m, nặng 26,5 tấn đã được thử nghiệm vào ngày 30 tháng 10 năm 1961 trên thao trường thử nghiệm hạt nhân Sukhoi Nos thuộc quần đảo Novaya Zemlya.
Máy bay ném bom chiến lược được sửa đổi đặc biệt Tu-95B đã được dùng để ném quả bom hạt nhân Tsar Bomba từ độ cao 10,5km và kích hoạt nó ở độ cao 4.200m. Chiếc máy bay đã kịp bay xa 40 km, nhưng vẫn bị rung chuyển bởi sóng xung kích. Các phi công đã tận mắt thấy cảnh khủng khiếp mà trước đây không ai từng thấy.
Cột lửa hình nấm nay cao lên độ cao gần 70 km vượt ra ngoài tầng bình lưu; sóng địa chấn ba lần đi vòng quanh thế giới; sự ion hóa của khí quyển trong khoảng 40 phút gây trở ngại cho liên lạc vô tuyến ở khoảng cách mấy trăm km từ thao trường thử nghiệm; ánh chớp của vụ nổ có thể được nhìn thấy từ vị trí xa gần 100 km và có thể gây ra bỏng độ 3.
Vụ thử này đã cho thấy rằng, có thể gia tăng mãi sức công phá của vụ nổ nhiệt hạch. Nói chính xác hơn, cho đến khi bản thân thao trường bị phá hủy.
Các nhà khoa học và giới quân sự đã nhận được rất nhiều dữ liệu, đã xác định những điểm mạnh và điểm yếu của vũ khí hạt nhân. Ô nhiễm phóng xạ, những trận động đất, gián đoạn quá trình hoàn lưu của khí quyển và sức công phá không thể kiểm soát nổi của vũ khí đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Do đó, mọi người đã thấy được rõ sức tàn phá khủng khiếp của bom hạt nhân.
Như vậy là trên thực tế, các cuộc thử nghiệm đó đã ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ ba, dù đã gây ra thiệt hại đáng kể cho hành tinh chúng ta.
Xuất phát từ hậu quả khủng khiếp của một cuộc chiến hạt nhân, phía Liên Xô đã đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc đàm phán ở Geneva về việc hạn chế các cuộc thử nghiệm có thể hủy diệt cả hành tinh. Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 10 năm 1963, hiệp ước quốc tế đầu tiên ấn định quy tắc chế tạo vũ khí hạt nhân đã đi vào hiệu lực.
Khi đó, Hiệp ước về cấm thử vũ khí hạt nhân trên mặt đất, ngoài vũ trụ và dưới nước đã có chữ ký của Liên Xô, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Pháp và Trung Quốc vẫn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân trên mặt đất, Pháp cho đến năm 1974 mới chấm dứt và Trung Quốc cho đến năm 1980 mới ngừng các vụ thử.
Sau đó, các cường quốc hạt nhân tham gia ký kết thỏa thuận này bắt đầu thực hiện những cuộc thử nghiệm dưới lòng đất. Khi đó, các nhà khoa học đã cho rằng, các cuộc thử nghiệm dưới lòng đất là an toàn hơn cho môi trường.
Về nhiều mặt, vụ nổ dưới lòng đất rất giống vụ nổ trên không, nhưng, nếu quả bom được kích hoạt dưới lòng đất thì gây thiệt hại nhỏ hơn.
Khác với vụ nổ trên không và dưới nước, sóng xung kích của cuộc thử dưới lòng đất tác động đến khu vực với diện tích rất nhỏ, chỉ hạn chế bởi một hố sâu. Sau đó sóng xung kích biến thành sóng nén hoặc sóng địa chấn, đây là yếu tố phá hoại chính.
Các cường quốc hạt nhân đã có khả năng thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong điều kiện tương đối an toàn đối với bầu khí quyển. Và sức công phá của sóng địa chấn đã được công nhận là cực kỳ hiệu quả trong việc phá hủy các mục tiêu sâu dưới lòng đất.
Chỉ riêng ở Liên Xô, gần 500 vụ nổ dưới lòng đất trong các đường hầm và giếng ngầm đã được thực hiện trong những năm 1964 - 1990. Các cuộc thử nghiệm đã được tổ chức chủ yếu tại thao trường Semipalatinsk và trên quần đảo Novaya Zemlya.
Vụ thử vũ khí nguyên tử mang tên Baker, một phần trong chương trình Operation Crossroads của quân đội Hoa Kỳ tại đảo san hô Bikini |
Tuy nhiên, thử nghiệm hạt nhân đã được thực hiện không chỉ cho mục đích quân sự. Các nhà khoa học đã cố gắng sử dụng sức công phá của vũ khí hủy diệt hàng loạt vào mục đích hòa bình, tức là để tăng cường khai thác dầu khí, kim loại, và nhiều lĩnh vực khác.
Sau này, các cường quốc như Nga, Mỹ không cần phải tổ chức những cuộc thử nghiệm trên mặt đất và dưới nước, bởi các chương trình máy tính đã giúp họ thực hiện nhiệm vụ này, tức là mô phỏng chính xác các vụ nổ hạt nhân. Và cho đến nay, các đầu đạn hạt nhân hiện đang ở trạng thái sẵn sàng khai hoả có tuổi thọ rất dài.
Về mặt pháp lý Lệnh cấm hoàn toàn các cuộc thử nghiệm hạt nhân đã có hiệu lực vào ngày 10 tháng 9 năm 1996; tuy nhiên cho đến nay, Ấn Độ, Pakistan và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn chưa ký vào thỏa thuận này và các nước này là chính những quốc gia bước chân vào câu lạc bộ sở hữu vũ khí hạt nhân gần đây nhất.
Triều Tiên là quốc gia cuối cùng quyết định thử nghiệm hạt nhân. Vào ngày 3 tháng 9 năm 2017, Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Đây là vụ thử hạt nhân thứ sáu, đồng thời cũng là lần thử gần đây nhất của Triều Tiên.
Theo các chuyên gia phương Tây, sức công phá của vụ nổ dao động từ 60 đến 300 kilotons, đã gây ra những cơn động đất rất lớn và đi kèm với nó là phản ứng cực kỳ tiêu cực trong cộng đồng quốc tế.
Có thể nói rằng, con đường loại bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới còn rất gian nan, thậm chí là rất khó khả thi.
Hậu quả khủng khiếp của nó chính là một công cụ răn đe cực mạnh khiến các cường quốc lao vào nghiên cứu, phát triển vũ khí hạt nhân để trấn áp các đối thủ của mình, khiến thế giới lúc nào cũng lâm vào tình trạng lo sợ một ‘ngày tận thế’ sẽ đến với nhân loại.