Năm 1978, đang học những ngày cuối của bậc THPT, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Đình Huệ "gác bút nghiên" lên đường nhập ngũ. Trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam, sau đó là chiến trường Campuchia, đến năm 1982, ông phục viên trở về quê hương và xây dựng gia đình. Hai lần bị thương trong lúc chiến đấu, hiện tại, ông đang mang trong mình 11 mảnh đạn.
Ông Huệ bên vườn keo 4 năm tuổi của gia đình
Ông Huệ chia sẻ: Những mảnh đạn nằm ở những vị trí không thể phẫu thuật, mặt khác, bản thân không đủ sức khỏe để chịu đựng được nhiều lần phẫu thuật. Chấp nhận sống chung với những di chứng chiến tranh, khi trái gió trở trời, ông phải gồng mình chống lại những cơn đau giằng xé khắp cơ thể. Thế nhưng, khi tiếp xúc với người lính thương binh này, điều làm chúng tôi khâm phục đó là sự lạc quan, yêu đời và tự hào mình là người lính Cụ Hồ.
Sau khi lập gia đình, cuộc sống hết sức khó khăn. Bản thân luôn đau yếu, 2 con còn nhỏ, lại phải lo cho bố mẹ già, nhưng thương binh Nguyễn Đình Huệ luôn tâm niệm một điều rằng, là người lính thì không được lùi bước trước khó khăn, “thương binh tàn nhưng không phế”. Ông mạnh dạn bàn với vợ cải tạo trên 1,5 ha vườn đồi trồng cây ăn quả, cày cấy 1,5 mẫu ruộng, kết hợp chăn nuôi. Bước đầu cũng có khi thất bại, ông đã động viên gia đình kiên trì, nỗ lực lao động, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.
Sau những tháng ngày vất vả, mỗi giọt mồ hôi của vợ chồng ông đổ xuống đã cho những mùa quả ngọt. Hiện vườn đồi của gia đình ông Huệ có trên 100 gốc chanh và 30 gốc mãng cầu năm nào cũng cho thu nhập. Rừng bạch đàn và keo lá tràm 5 năm thu hoạch 1 lần. Gia đình ông còn chăn nuôi gần chục con bò, hàng trăm con gà. Tổng thu nhập mỗi năm xấp xỉ 100 triệu đồng. Từ số tiền này, ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đồ dùng phục vụ sinh hoạt. Đặc biệt, ông đã nuôi dạy 2 con trai học hành đến nơi đến chốn. Các con nối tiếp truyền thống của cha, hiện là những sỹ quan đang công tác trong quân đội.
Ông Trần Hải Thanh - Chủ tịch Hội CCB xã Đức Lập cho biết: “Hội viên, thương binh Nguyễn Đình Huệ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vừa làm giàu, vừa gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của hội. Ông là tấm gương điển hình để chúng tôi nhân rộng trong hoạt động hội”.
Chưa bằng lòng với những gì mình có, hiện nay, thương binh Nguyễn Đình Huệ đang tiếp tục mở rộng diện tích vườn đồi bằng cách phá bỏ những gốc mãng cầu đã thoái hóa, cải tạo thêm một số diện tích, trồng mới gần 100 gốc bưởi và cam bù. Ông cũng sẽ quy hoạch lại vườn đồi theo các tiêu chí xây dựng vườn mẫu, góp phần cùng với xã Đức Lập thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.