Dây chuyền sản xuất ô tô Volskwagen ở nhà máy của hãng tại Wolfsburg, miền trung Đức ngày 9/3/2017. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tuy nhiên, WB kêu gọi các nước cần tiếp tục đầu tư để cải thiện triển vọng tăng trưởng, nhất là vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đồng thời cảnh báo về những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng.
Nhiều điểm sáng kinh tế tái hiện
Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” mới công bố của WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018. Cụ thể, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2018, so với mức tăng 3% của năm 2017 và sẽ là mức tốt nhất trong bảy năm. Trong các năm 2019 và 2020, WB đưa ra con số dự báo tăng trưởng là 3% và 2,9%.
Theo WB, các nền kinh tế mới nổi, nhất là từ các nhà xuất khẩu hàng hóa, sẽ tăng trưởng khoảng 4,5% trong năm 2018 và bình quân 4,7% trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, nhịp độ tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ chậm lại và ước tăng 2,2% trong năm 2018, so với mức tăng 2,3% năm 2017.
Khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới sẽ là Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự kiến tăng trưởng 6,4% trong năm nay và 6,3% vào năm tới. Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 7,3% trong năm 2018 và 7,5% trong thời gian 2019-2020.
Theo báo cáo của WB, mức đóng góp của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 vượt quá 1/3, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc. Ngoài việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tiến ra nước ngoài, giá trị thương mại giữa Trung Quốc với các thị trường thế giới cũng lớn, trong khi thị trường khổng lồ của nước này thu hút nhiều hàng hóa của các nền kinh tế khác.
Báo cáo trên cho hay GDP của Mỹ dự kiến tăng trưởng 2,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể sẽ tăng chậm lại ở mức 2,2% trong năm 2019 và 2% trong năm 2020. Nhận xét về nền kinh tế lớn nhất thế giới, chuyên gia kinh tế Tống Diễm Vĩ (và là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải) đánh giá lĩnh vực tiêu dùng - chiếm tới 2/3 nền kinh tế Mỹ - vẫn là động lực chủ yếu. Đầu tư xuất hiện sự cải thiện rõ rệt, số người tìm được việc làm và tiền lương đều tăng vừa phải, thị trường lao động nhộn nhịp hơn.
Tại châu Âu, chi tiêu tiêu dùng cá nhân duy trì xu thế đi lên, kinh tế thế giới phục hồi ổn định, tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp là những yếu tố bảo đảm cho kinh tế châu lục tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) được điều chỉnh lên 2,4% năm 2017 và lên 2,1% năm nay. Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế khu vực Eurozone và châu Âu năm 2018 có nguy cơ bị đe dọa, nếu nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể đạt được một thỏa thuận êm đẹp về việc Vương quốc Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.
Những nguy cơ và rủi ro
Theo WB, trong số những rủi ro phải kể đến lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương) và một số ngân hàng trung ương khác. Chi phí vay mượn gia tăng có thể gây sức ép đối với hoạt động đầu tư và kinh tế. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng lưu ý về nguy cơ đến từ chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị.
Quan chức Shanta Devaraian của WB cho rằng xu hướng bảo hộ mậu dịch của một số nước phát triển, nhất là Mỹ ngày một tăng lên, cũng như ảnh hưởng của Brexit, sẽ tiếp tục làm gia tăng tính không xác định của quan hệ đầu tư và thương mại hiện nay.
Tại Diễn đàn Tài chính châu Á ở Hong Kong, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhận định đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ khá ổn, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp, châu Âu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng, Nhật Bản đang có nhịp độ tăng trưởng ngắn hạn cao hơn dự kiến, trong lúc xuất hiện nhiều rủi ro chính trị, trong đó có nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên. Bên cạnh đó còn có những lo ngại rằng bong bóng trong nền kinh tế Trung Quốc có thể xì vỡ và chủ nghĩa dân túy gia tăng ở một số nước.
Ông Lew nói tuy triển vọng tăng trưởng của toàn cầu sẽ vẫn ổn định, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần ngăn chặn những rủi ro mà có thể kiểm soát. Còn các nhà đầu tư cần tập trung vào giá trị căn bản khi đưa ra các lựa chọn đầu tư, bởi sẽ có những điều chỉnh trên thị trường theo thời gian và cùng với nhiều rủi ro địa chính trị, trong lúc chu kỳ kinh doanh sẽ vẫn tiếp tục.
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2018 mới được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố nêu rõ triển vọng tăng trưởng kinh tế khá mạnh trong năm 2018 mang tới cho các nhà lãnh đạo cơ hội vàng để giải quyết các vấn đề yếu kém trong nhiều hệ thống nền tảng của thế giới như xã hội, nền kinh tế, các quan hệ quốc tế và môi trường. Báo cáo trên cũng cảnh báo thế giới đang phải gồng mình để theo kịp sự thay đổi nhanh chóng, đồng thời chỉ rõ nhiều lĩnh vực mà nhân loại đang đẩy hệ thống nền tảng tới bờ vực, từ thiệt hại do đa dạng sinh học bị hủy diệt đến những mối lo ngại không ngừng gia tăng nguy cơ nổ ra các cuộc chiến tranh mới.
Báo cáo của WEF đã trích dẫn Khảo sát đánh giá rủi ro toàn cầu (GRPS) lấy ý kiến của 1.000 chuyên gia, trong đó nêu rõ 59% số người được hỏi cho rằng các rủi ro gia tăng trong năm 2018 và 7% có quan điểm ngược lại. Bối cảnh địa chính trị phức tạp khiến nhiều người tỏ ra bi quan trong năm 2018, 93% số người được hỏi cho rằng các cuộc đối đầu chính trị và kinh tế giữa các cường quốc lớn sẽ càng diễn biến khó đoán và gần 80% ý kiến dự báo rủi ro gia tăng.
Đáng chú ý là các hiện tượng thời tiết cực đoan được đánh giá là rủi ro thường trực nhất, cùng với sự biến mất của đa dạng sinh học; sự sụp đổ hệ sinh thái; các thảm họa môi trường do con người gây ra; và sự thất bại của việc giảm bớt tác động của các đợt thiên tai lớn, cũng như việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2018 của WEF cũng nêu nhiều nguy cơ khác như mất mùa, sự phát triển hỗn loạn của Internet với nguy cơ xảy ra nhiều vụ tấn công mạng quy mô lớn, các cuộc chiến thương mại, làn sóng chủ nghĩa dân túy đe dọa trật tự xã hội, cuộc khủng hoảng tài chính mới, sự bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ sinh học, gia tăng xung đột giữa các nước...
Một quan chức cấp cao của WEF cho rằng cần tận dụng sự phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia để hàn gắn những rạn nứt đã làm suy yếu các thể chế, xã hội và môi trường trên thế giới. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc xem xét nguy cơ đổ vỡ các hệ thống toàn cầu và cùng nhau hợp tác để ngăn chặn điều này.