“Chậm cung cấp vaccine từ Viện Huyết thanh Ấn Độ tới châu Phi, chậm triển khai vaccine và nhiều biến chủng mới xuất hiện, đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới ở châu Phi là rất cao”, văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi cảnh báo hôm 6/5.
Nhân viên y tế nói chuyện với đồng nghiệp trước khi tiêm vaccine trong bệnh viện quốc gia Kenyatta ở Nairobi, Kenya, hôm 3/5. Ảnh: Reuters
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc nói thêm các biến chủng mới như biến chủng xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi có thể tạo ra “làn sóng thứ ba” trên lục địa này.
“Thảm kịch ở Ấn Độ không nhất thiết xảy ra ở châu Phi, nhưng chúng ta phải đặt cảnh báo ở mức cao nhất có thể”, Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, nói. “Trong khi chúng ta kêu gọi công bằng vaccine, châu Phi cũng nên tích cực làm điều tốt nhất với những gì đang có. Chúng ta phải tiêm mọi liều vaccine đang có cho người dân”.
WHO cho hay một số quốc gia châu Phi đã đi đầu trong triển khai vaccine, nhưng không nêu tên cụ thể. Tuy nhiên, tổ chức này cho hay dù đã triển khai, chỉ “một nửa trong số 37 triệu liều vaccine mà châu Phi nhận được mới được sử dụng tới nay”.
Số vaccine tới châu Phi chỉ chiếm 1% tổng số liều vaccine trên toàn cầu, theo WHO, giảm so với 2% cách đây vài tuần, trong khi những khu vực khác đang triển khai vaccine với tiến độ nhanh hơn nhiều.
Đợt chuyển giao vaccine đầu tiên cho 41 quốc gia châu Phi theo chương trình Covax bắt đầu từ tháng 3 nhưng 9 quốc gia cho tới nay mới triển khai được 1/4 số liều nhận được, trong khi 15 quốc gia triển khai chưa tới 50% số liều được phân bổ.
Tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi thấp nhất thế giới. Tỷ lệ trung bình toàn cầu là 150 liều trên 1.000 người, nhưng tại khu vực châu Phi hạ Sahara, tỷ lệ này chưa đầy 8 liều trên 1.000 người, theo WHO.