“Họ đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng lại cơ sở hạ tầng cần thiết (để chống dịch bệnh) trong những tháng mùa hè sau khi đã khống chế thành công sóng lây nhiễm đầu tiên”, David Nabarro, đặc phái viên về Covid-19 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 22/11 trả lời phỏng vấn báo chí Thụy Sĩ, đề cập tới nỗ lực chống dịch của các nước châu Âu.
“Giờ đây, chúng ta có sóng lây nhiễm thứ hai. Nếu họ không xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết. Chúng ta sẽ đối diện với sóng bùng phát thứ ba vào đầu năm sau”, ông cho biết thêm.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 trong phòng cấp cứu tại bệnh viện Maggiore di Lodi ở Lodi, Italy, ngày 13/11. Ảnh: Reuters.
Thế giới ghi nhận thêm 7.489 ca tử vong do Covid-19 ngày 23/11, nâng số người chết vì đại dịch lên 1.393.124. Tổng số ca nhiễm hiện là 58.956.037, tăng 496.980 ca, trong khi 40.743.952 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Tại châu Âu, sau một mùa hè “dễ thở”, nhiều nước ở châu lục này đã phải tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo 2.140.208 ca nhiễm và 48.732 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 13.157 ca nhiễm và 214 ca tử vong. Bất chấp lệnh phong tỏa mới trên phạm vi toàn quốc áp dụng từ ngày 30/10 giúp số ca nhiễm nCoV mới giảm mạnh, Pháp vẫn trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc hai triệu ca nhiễm nCoV.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Verana cho biết nước này đang lấy lại đà kiểm soát nCoV. Pháp đang chuẩn bị mở cửa trở lại các cửa hàng cho mùa mua sắm Giáng sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Jean-Baptiste Djebbari ngày 20/11 cảnh báo rằng còn quá sớm để nói liệu người dân có được phép đi lại vào dịp Giáng sinh hay không, nói rằng việc đảo ngược xu hướng Covid-19 vẫn còn “mong manh”.
Anh báo cáo thêm 18.662 ca nhiễm và 398 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.512.045 và 55.024. Chính phủ đã tái áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, đánh dấu một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II.
Thủ tướng Boris Johnson thông báo ông sẽ chấm dứt lệnh phong tỏa toàn quốc từ 2/12 và chuyển sang áp đặt hạn chế ở từng khu vực tùy theo mức độ rủi ro.
Đức ghi nhận 13.840 ca nhiễm và 104 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 932.111 và 14.343. Mặc dù đồ thị số liệu Covid-19 đang bằng phẳng hơn, giới chức đánh giá các số liệu hàng ngày vẫn quá cao và khu điều trị tích cực tại các bệnh viện đang sắp hết giường.
Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì “mục đích phi du lịch”. Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.
Đức có thể phải gia hạn những biện pháp nhằm ngăn chặn Covid-19 sang tháng 12 do tình hình dịch bệnh hiện chưa được kiểm soát. “Mọi thứ đều cho thấy thực tế là những biện pháp giới hạn hiện tại cần phải được gia hạn thêm một thời gian nữa sau ngày 30/11”, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 22/11 nói với báo Bild am Sonntag.
Markus Soeder, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của bang Bavaria, cho hay lý tưởng nhất là các biện pháp giới hạn nên được mở rộng thêm ba tuần, tới ngày 20/12. “Làn sóng đã bị phá vỡ nhưng không may là số ca nhiễm mới không giảm. Thay vào đó, các phòng chăm sóc đặc biệt tiếp tục quá tải và số người chết vẫn gia tăng”, ông nói.
Nga, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 24.581 ca nhiễm nCoV và 401 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.089.329 và 36.179.
Giới chức Nga cho biết các biến chủng nCoV đang xuất hiện ở vùng Siberia của nước này, đồng thời cảnh báo chúng có thể khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, Rinat Maksyutov, tổng giám đốc Viện virus học Vector của Nga, nhấn mạnh các biến chủng không thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine Covid-19.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/11 cho biết Nga sẵn sàng phân phối vaccine Sputnik V cho các nước khác. Hồi đầu tháng, Nga thông báo dữ liệu thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine Sputnik V có hiệu quả 92% trong việc bảo vệ khỏi nCoV.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 12.579.636 ca nhiễm và 262.681 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 127.602 và 851 trường hợp.
Một số bang và thành phố trên khắp nước Mỹ ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn virus lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác. Thống đốc California Gavin Newsom áp lệnh giới nghiêm với hầu hết các hạt từ 21/11, yêu cầu mọi người không được rời nhà từ 22h đến 5h sáng hôm sau ngoại trừ vì lý do thiết yếu. Các nhà hàng cũng phải đóng cửa theo khung giờ đó. Trước đó Ohio đã ban hành lệnh tương tự có hiệu lực từ ngày 19/11.
Tại New York, Thống đốc Andrew M. Cuomo cũng ra lệnh yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa lúc 22h. Lệnh tương tự được áp đặt ở một số địa phương như hạt Pueblo, Colorado và hạt Miami-Dade, Florida.
Trước đó, nhiều bang và thành phố Mỹ đã áp đặt các hạn chế như yêu cầu người dân ở nhà, không cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà và giới hạn tụ tập. Chính quyền Mỹ gia hạn lệnh hạn chế đi lại qua biên giới với Canada và Mexico đến ngày 21/12.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 43.652 ca nhiễm và 487 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.139.560 và 133.750.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại New Delhi, nơi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Chính quyền thủ đô đã lên kế hoạch khôi phục một số biện pháp hạn chế nếu cần thiết, như đóng cửa các khu chợ. Ấn Độ hy vọng 5 loại vaccine được thử nghiệm tại nước này sẽ giúp họ kiểm soát đại dịch thành công.
Quan chức New Delhi đã tăng gấp tư tiền phạt với người không đeo khẩu trang lên 2,000 rupee (27 USD). Kể từ tháng 6, gần 500.000 người đã bị phạt vì không đeo khẩu trang, 370.000 người vì phớt lờ quy tắc giãn cách xã hội và 3.500 người vì khạc nhổ tại New Delhi.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 167 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 169.183. Số người nhiễm nCoV tăng 18.615 ca trong 24 giờ qua, lên 6.071.401.
Nhiều nơi đã bị đóng cửa sau khi virus bắt đầu xuất hiện ở Brazil vào tháng hai, nhưng cuộc sống ở các thành phố lớn nhất đã trở lại gần với mức bình thường trước đại dịch trong những tuần gần đây, với các quán bar, nhà hàng và cửa hàng đông người, thường không đeo khẩu trang.
Trong vài ngày gần đây, Sao Paulo và Rio de Janeiro đã ghi nhận số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tăng đột biến. Tại Rio trong tuần này, 90% giường tại khu điều trị tích cực trong các bệnh viện công được lấp đầy.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 767.679 ca nhiễm và 20.903 ca tử vong, tăng lần lượt 2.270 và 58 ca.
Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 44.802 người chết, tăng 475, trong tổng số 854.361 ca nhiễm, tăng 13.053. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, họ áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức “đỏ”.
Ô tô sẽ không được phép rời khỏi hoặc đi vào các thành phố “đỏ” và các quy định hạn chế lái xe khác sẽ được áp dụng nhằm khuyến khích mọi người ở nhà. Các hạn chế nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho các khu vực “cam” và “vàng” có rủi ro thấp hơn. Truyền thông nhà nước cho biết các hạn chế sẽ kéo dài ít nhất hai tuần.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 497.668 ca nhiễm, tăng 4.360 so với hôm trước, trong đó người chết là 15.884, tăng 110 ca.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước cho biết nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 18/11, lãnh đạo cơ quan phụ trách thực phẩm và dược phẩm Indonesia cảnh báo họ không thể cấp phép kịp cho hoạt động này đúng thời hạn tháng 12, do dữ liệu lúc đó chưa hoàn thành.
Philippines báo cáo 418.818 ca nhiễm và 8.123 ca tử vong, tăng lần lượt 1.968 và 43 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Tình hình dịch tại Philippines đã cải thiện trong thời gian gần đây. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 21/11 chấm dứt lệnh cấm nhân viên y tế ra nước ngoài, mở đường cho y tá nước này nhận việc ở nước ngoài. Năm ngoái, gần 17.000 y tá Philippines đã ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để đảm bảo Philippines có đủ nhân viên y tế nhằm tiếp tục chiến đấu với đại dịch, chỉ 5.000 nhân viên y tế được phép rời đi trong năm.
Toàn cầu đang tràn đầy hy vọng đánh bại Covid-19 sau khi một số hãng thông báo vaccine của họ có hiệu quả cao và sẽ xin phê duyệt khẩn cấp. Tuy nhiên, giám đốc mảng tình huống khẩn cấp Michael Ryan của Tổ chức Y tế Thế giới hôm 18/11 cảnh báo rằng vaccine sẽ không đến kịp thời để đánh bại làn sóng Covid-19 thứ hai.
“Tôi nghĩ rằng phải mất ít nhất 4-6 tháng nữa chúng ta mới triển khai được tiêm chủng trên quy mô đáng kể”, ông nói. “Nhiều quốc gia đang trải qua làn sóng này và họ sẽ phải tiếp tục vượt qua mà không có vaccine. Chúng ta cần hiểu rõ điều đó và nhận ra rằng chúng ta phải”trèo qua ngọn núi“này mà không có vaccine”.