Bloomberg hôm nay dẫn các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho biết trong các cuộc thảo luận kín tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chuyên gia đang tập trung xem xét những điều kiện nào sẽ báo hiệu rằng tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được tuyên bố cách đây hai năm sẽ kết thúc.
Ngày 30/1/2020, WHO tuyên bố Covid-19, lúc đó được gọi là dịch viêm phổi từ virus corona chủng nCoV, là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng, hay còn gọi là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC). Đây là lần thứ 5 trong lịch sử y tế thế giới, WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp không chỉ là một bước đi tượng trưng nhiều ý nghĩa, mà còn tạo động lực chấm dứt nhiều chính sách y tế công cộng được ban hành trong thời kỳ đại dịch.
Nguồn tin nhấn mạnh cuộc thảo luận của WHO đang dừng ở các điều kiện để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do Covid-19, và tổ chức này hiện chưa xem xét ra tuyên bố như vậy.
Khi ca Covid-19 giảm ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện các bước trở lại bình thường, nới quy định giãn cách và đeo khẩu trang, đồng thời mở cửa trở lại biên giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á đang báo cáo làn sóng lây nhiễm chưa từng thấy, trong khi ở Đức, ca nhiễm cũng tăng trở lại gần mức kỷ lục.
Nhân viên y tế Hong Kong đưa bệnh nhân Covid-19 lên xe cứu thương hôm 11/3. Ảnh: AFP.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng ngay cả khi ca Covid-19 giảm xuống mức thấp hơn, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm như các bệnh đặc hữu khác, trong đó có sốt rét và lao. Nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới cũng không thể đoán trước.
WHO vốn thận trọng khi đưa ra tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Cũng như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quyết định chấm dứt sẽ do Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia.
David Heymann, cựu nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cố vấn cho WHO về các đợt bùng phát dịch, cho biết nhiều quốc gia hiện không còn dựa vào hướng dẫn của WHO khi ứng phó Covid-19. “Họ không phớt lờ WHO, nhưng dựa nhiều hơn vào các nhóm cố vấn khoa học quốc gia và khu vực”, Heymann nói.
Theo Heymann, số liệu quan trọng đối với các quốc gia đang xem xét dỡ tình trạng khẩn cấp là khả năng miễn dịch cộng đồng, tức tỷ lệ người dân có kháng thể sau khi mắc Covid-19 hoặc nhờ tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 98% dân số Anh đã có mức độ kháng thể nhất định có thể ngăn bệnh diễn tiến nặng. Mức độ kháng thể để đạt miễn dịch cộng đồng ở mỗi nước cũng không giống nhau.
Tuy nhiên, Heymann nhấn mạnh khả năng đạt miễn dịch cộng đồng cực kỳ khó xảy ra đối với Covid-19, bởi các loại vaccine hiện tại không ngăn lây nhiễm và các sóng lây nhiễm cũng không ngăn được những đợt tái bùng phát.
Tại Mỹ, khoảng 98% dân số sống ở các hạt không yêu cầu đeo khẩu trang ở không gian kín nơi công cộng. Tuy nhiên, mối lo ngại đang tăng lên liên quan BA. 2, một biến thể phụ của Omicron đang lưu hành rộng rãi ở một số quốc gia châu Âu.