Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).
Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus ngày 15/2 tuyên bố, tổ chức này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tìm kiếm cho đến khi trả lời được câu hỏi đại dịch Covid-19, mà cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,7 triệu người trên khắp toàn cầu, khởi phát như thế nào.
“Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm cho tới khi có được lời giải”, ông Tedros nói về cuộc điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, vốn lần đầu được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh một số trang tin trước đó nói rằng WHO đã từ bỏ cuộc tìm kiếm.
Giải quyết bí ẩn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và cách nó bắt đầu lây sang người được coi là nhiệm vụ rất quan trọng để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Hiện thời, đang có 2 giả thuyết chính về nguồn gốc của Covid-19: Một là, virus lây lan tự nhiên có thể từ loài dơi sang động vật trung gian và sang người; thứ hai, sự lây lan của virus gây chết người có thể là do nó thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Trang tin Nature hôm 14/2 cho rằng, WHO dường như đã “lặng lẽ gác lại giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra khoa học rất được mong đợi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19”. Nature dẫn lời chuyên gia của WHO Maria Van Kerkhove, nói rằng “không có giai đoạn 2 (của cuộc điều tra)”.
Tuy nhiên, bà Van Kerkhove hôm 15/2, cho rằng cách Nature cắt nghĩa phát biểu của bà là không chính xác và gây ra những tiêu đề dễ gây hiểu lầm.
Bà khẳng định: “WHO không từ bỏ việc nghiên cứu nguồn gốc của Covid-19, chúng tôi đã và sẽ không từ bỏ”.
WHO đã tiến hành giai đoạn 1 của cuộc điều tra khi cử một nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 1/2021.
Trong khi kế hoạch ban đầu là cử một nhóm thứ hai tới Trung Quốc, Tiến sĩ Van Kerkhove cho biết WHO đã thay đổi chiến thuật và thay vào đó quyết định thành lập một nhóm các nhà khoa học với phạm vi mở rộng để điều tra các mầm bệnh mới và nghiên cứu cách ngăn chặn đại dịch trong tương lai, đồng thời tiếp tục tìm kiếm manh mối về nguồn gốc của Covid-19.
Nhóm tư vấn khoa học về nguồn gốc của mầm bệnh mới (SAGO) được thành lập để tiến hành đánh giá độc lập về nguồn gốc của Covid-19, nhưng cũng hướng tới hoạt động quy mô rộng hơn nhằm thiết lập một khuôn khổ để tìm hiểu nguồn gốc của bất kỳ mầm bệnh và đại dịch nào trong tương lai.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu các quốc gia phi chính trị hóa công việc này, và chúng tôi cần sự hợp tác từ các đồng nghiệp ở Trung Quốc để thúc đẩy điều này (điều tra nguồn gốc Covid-19)”, bà nói.
Ông Tedros cho biết, có 2 lý do để WHO không từ bỏ việc tìm kiếm nguồn gốc Covid-19. Thứ nhất, theo gốc độ khoa học, ông cho rằng: “Chúng ta cần biết Covid-19 đã bắt đầu thế nào để ngăn chặn đại dịch kế tiếp”. Thứ hai, ông nhấn mạnh: “Về mặt đạo đức, biết được vì sao chúng ta mất đi người thân trong đại dịch là điều rất quan trọng”.