Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh
20 năm qua, công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện theo hướng toàn diện, kết hợp với tập trung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu đạt được chất lượng, hiệu quả thiết thực. Đến nay, 100% các địa phương đã xếp đủ đầu mối tổ chức các đơn vị dự bị động viên.
Hàng năm, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị và các đơn vị dự bị động viên. Nhờ đó, quân nhân dự bị tham gia kiểm tra, sẵn sàng động viên, huấn luyện luôn đạt chỉ tiêu được giao. Hầu hết quân nhân dự bị đều được xếp vào các đơn vị dự bị động viên có khung thường trực, sẵn sàng nhận lệnh động viên, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh, các địa phương đã coi trọng công tác phúc tra, đăng ký, quản lý nguồn, nắm chắc tình hình và thực trạng quân nhân dự bị ở các cơ sở, kịp thời điều chỉnh bảo đảm đủ chỉ tiêu động viên cho các đơn vị; quan tâm các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị, chủ phương tiện theo quy định của Nhà nước khi được huy động làm nhiệm vụ.
Chủ động điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện, kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên ở các cấp, tạo cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ động viên, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và xây dựng thế trận khu vực phòng thủ ở mỗi địa phương.
Tại Hà Tĩnh, qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh, hiệu lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp lệnh về dự bị động viên được tăng cường. Các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ, chú trọng khâu tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung pháp lệnh, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt.
Đặc biệt, việc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được triển khai chặt chẽ, nề nếp đúng trình tự theo pháp lệnh. Quá trình thực hiện Pháp lệnh luôn tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá để kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quân sự và địa phương trong xây dựng lực lượng dự bị động viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết luận hội nghị, Trung tướng Phan Văn Giang khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện Pháp lệnh về lực lượng DBĐV là đúng đắn, cần thiết.
Trung tướng Phan Văn Giang chỉ đạo hội nghị. Ảnh :QĐND
Thời gian tới, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 của nước ta, tích cực tuyên truyền Pháp lệnh về lực lượng DBĐV và các văn bản pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, mọi tầng lớp nhân dân.
Cơ quan quân sự các cấp làm tốt vai trò tham mưu với các cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và các đơn vị trong tạo nguồn, sắp xếp, quản lý, huấn luyện lực lượng DBĐV; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và huy động lực lượng DBĐV...
Tổng Tham mưu trưởng đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong khi chờ luật về lực lượng DBĐV ban hành, tiếp tục phối hợp cùng Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Pháp lệnh về lực lượng DBĐV đạt kết quả tốt, xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, chất lượng cao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.