Nhà máy Nhiệt điện Hồng-sả.
Chi tiết được Đài phát thanh Quốc gia Lào phát đi bản tin sáng nay cho biết, cơn dư chấn xảy ra lúc 5 giờ 43 phút 41 giây theo giờ địa phương, ở độ sâu 1 km, cách trung tâm huyện lỵ huyện Mường-mơng, tỉnh Bọ-kẹo 19 km. Đây là tỉnh cực Bắc của Lào, có mật độ dân số thấp nhất trong cả nước, có diện tích 6.196 km²; giáp tỉnh Luông-nặm-thà về phía đông bắc, tỉnh U-đôm-xay về phía đông, tỉnh Xay-nha-bu-li về phía Nam; giáp Thái Lan về phía Tây nam và Myanmar phía Tây và Tây bắc.
Tuy nhiên, đây là một cơn dư chấn nhỏ, không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trước đó, một cơn dư chấn có cường độ nhẹ 2,6 độ richter xảy ra lúc 22 giờ 19 phút, tối 14/5 tại địa phận bản Nặm-phu, huyện Mường-Mẹt, tỉnh Viêng-chăn. Ngày 18/4, một cơn dư chấn có cường độ 2,9 độ richter, xảy ra tại huyện Xay-xả-thăn, tỉnh Xay-nha-bu-li.
Bản đồ đánh dấu vị trí động đất sáng 28/5.
Theo Cục Khí tượng và Thủy văn Lào, từ năm 2019 đến nay, Lào xảy ra khá nhiều trận động đất, điển hình trận động đất lịch sử xảy ra ngày 21/11/2019, với cường độ 6,4 độ richter thuộc địa bàn huyện Xay-xả-thăn và huyện Hông-sả, thuộc tỉnh Xay-nha-bu-li, miền Bắc nước Lào.
Theo truyền thông địa phương thì dư chấn của trận động đất này lan sang cả một số tỉnh Đông bắc Thái Lan, Thủ đô Viêng-chăn và Thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Năm 2015, Lào cũng đã ghi nhận các trận động đất từ 5 độ richter trở xuống tại tỉnh Bô-ly-khăm-xay và tỉnh Xiêng-khoảng.
Từ cuối năm 2018, Lào đã nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc xây dựng tại Thủ đô Viêng-chăn một trung tâm có khả năng phát hiện và cung cấp thông tin về các dư chấn từ 3 độ richter trở lên.
Các nhà quan sát cho biết, những nơi thường xuyên xảy ra các trận động đất ở Bắc Lào cũng là nơi có các nhà máy thủy điện lớn nhất nước Lào trên dòng chính sông Mê-kông là thủy điện Xay-nha-bu-li, Pạc-bèng và Nhà máy nhiệt điện Hồng-sả.