“Lời Di chúc gửi, êm bên gối”
Những ngày này, đi giữa đất trời quê hương Việt Nam rực rỡ màu cờ, thắm tươi màu nắng, xanh thắm màu trời, tôi bồi hồi xúc động nhớ và nghĩ nhiều về Bác, người đã hy sinh cả cuộc đời cho lý tưởng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, tự do, độc lập, người dân “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tôi tin, đó cũng là tâm trạng chung của gần 100 triệu dân trên suốt dải đất hình chữ S thân thương đã trải qua bao gian lao trận mạc và hôm nay đẹp tươi, yên bình dưới trời thu tháng tám.
Bác Hồ - người để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam. Ảnh tư liệu
Đất nước có được hòa bình, độc lập, người dân có được cuộc sống no ấm, giàu mạnh, xã hội văn minh như ngày hôm nay, công lao thuộc về nhiều thế hệ tiền nhân, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã không ngại hy sinh, gian khổ đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chỉ lối soi đường. Người dân ơn Đảng, ơn Bác, đời đời không quên các anh hùng, liệt sỹ.
Ngày 2/9/1969, trời Hà Nội mưa tuôn xối xả. Nước mắt của toàn dân hòa cùng nước mưa khóc tiễn đưa người con yêu quý của dân tộc về với “thế giới người hiền”. Trước lúc ra đi, Người để lại bản Di chúc bất hủ để dặn dò toàn Đảng, toàn dân.
Lời Di chúc gửi, êm bên gối
Quên nỗi mình đau, để nhớ chung
(Tố Hữu)
Trong bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Đảng.
Trong Di chúc, Người dặn rất nhiều điều, trong đó đầu tiên là nói về Đảng. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là người tổ chức, giáo dục, rèn luyện Đảng ta để Đảng đủ năng lực lãnh đạo toàn thể Nhân dân đánh đổ đế quốc phong kiến, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập. Người chỉ rõ nguyên nhân đầu tiên của mọi thắng lợi đó là nhờ đoàn kết trong Đảng, trong toàn dân, vì vậy, cần phải giữ gìn sự đoàn kết:
"Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân".
Trong di chúc, Người luôn căn dặn về việc phải xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết dân tộc. Ảnh tư liệu
Phần cuối của Di chúc là tất cả những gì tha thiết, lắng đọng, thổn thức và chất chứa nhất của một trái tim lớn. Đó không chỉ là lời của một lãnh tụ với toàn dân mà còn là lời cuối của vị Cha già dặn lại đàn con cháu. Đó là những nhịp đập mãnh liệt, trào dâng của trái tim ngập tràn yêu thương trước giờ phút sẽ đi xa mãi mãi:
"Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng… Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Điều mong muốn cuối cùng cũng là điều mong muốn duy nhất của Bác, người Cha kính yêu của toàn dân tộc. Đó cũng là lý tưởng, lẽ sống, khát vọng mà Người đã dành trọn cả cuộc đời để làm việc và tranh đấu, sẵn sàng “nằm gai nếm mật” cô đơn giá lạnh nơi xứ người, bị lao tù khổ ải, bị bắt bớ, tra tấn, bị đem ra trước vành móng ngựa, “năm canh thao thức không nằm”...
Di chúc Bác Hồ để lại là di sản tinh thần vô giá, kết tinh tư tưởng, tình cảm, trí tuệ, tầm nhìn và khát vọng của Người, phản ánh rõ nét văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là những lời của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Đó là ánh sáng soi rọi lịch sử dân tộc tới cả mai sau, tạo nên sức mạnh gắn kết toàn thể Nhân dân Việt Nam.
Nguyện đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn
Dọc theo tháng năm, Di chúc thiêng liêng của Bác đã trở thành động lực tinh thần to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân đi đến ngày thắng lợi. Dù 53 năm trôi qua, mỗi lần đọc lại, ta vẫn rưng rưng xúc động, cảm kích và thêm kính yêu Bác.
Nhớ thương Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như mỗi một người dân đều nguyện đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Người hằng mong muốn.
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh tư liệu
Tính từ năm 1975 đến nay, 47 năm đã qua, đất nước đã hoàn toàn sạch bóng quân thù, toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng CNXH. Nhân dân được bình yên để làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no. Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt nhiều kết quả toàn diện. Từ một nước thu nhập thấp, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, có thể tham gia vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Chính trị ổn định, kinh tế từng bước tăng trưởng, văn hóa - xã hội phát triển, QP-AN được giữ vững. Đó là một giá trị vô cùng lớn lao, phải đổi bằng xương máu và mồ hôi của rất nhiều thế hệ.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Dù ai rào dậu, ngăn sân
Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ
Câu ca dao của đồng bào Nam Bộ một thời nay vẫn âm vang trong lồng ngực của nhiều người dân Việt Nam. Ơn Đảng, ơn Bác Hồ, sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là tình cảm, ước nguyện mà còn là đạo lý, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam.
Theo lời dạy của Người, Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ảnh: Đình Nhất
Hôm nay, giữa bộn bề thử thách, khó khăn của một đất nước đang phát triển, những lời Bác dặn càng tiếp thêm sức mạnh cho con cháu. Di chúc của Bác là ngọn đuốc soi đường cho cả dân tộc đi đến “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”, thỏa nguyện ước mong của Người. Chúng con mãi có Bác trên mỗi chặng đường đã đi, sẽ đi qua!