Do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu gạo của Hà Tĩnh từ đầu năm tới nay giảm mạnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa thông tin: Kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh 8 tháng đầu năm ước đạt 1,292 tỷ USD, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2020; chủ yếu tăng ở các nhóm hàng: thép, may, sợi dệt, dăm gỗ… Tuy nhiên, gạo lại là mặt hàng xuất khẩu duy nhất có kim ngạch giảm.
Đến thời điểm này, Công ty TNHH KC Hà Tĩnh (xã Thạch Đài, Thạch Hà) là doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy nhất trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm tới nay, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của công ty giảm mạnh, ước đạt 1 triệu USD với 3.600 tấn gạo, giảm gần 64% so với cùng kỳ năm 2020 (khoảng 2,8 triệu USD).
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH KC Hà Tĩnh.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo của công ty. Theo đó, thị trường truyền thống giảm tiêu thụ, khâu vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, chi phí logistics tăng cao… là những lý do khiến xuất khẩu gạo “lao dốc”.
Cùng đó, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến xuất khẩu gạo giảm không chỉ ở Hà Tĩnh mà cả Việt Nam nói chung là giá gạo của Việt Nam cao hơn so với các nước xuất khẩu gạo, bởi vậy, nhiều nhà nhập khẩu chuyển hướng sang các quốc gia có mức giá thấp hơn.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH KC Hà Tĩnh, năm 2021, công ty đặt kế hoạch xuất khẩu hơn 20.000 tấn gạo. Tuy nhiên, dự kiến sản lượng xuất khẩu năm nay chỉ đạt khoảng 5.000 – 6.000 tấn. Để tháo gỡ khó khăn, công ty đang hướng đến 2 giải pháp là mở rộng thị trường và sản xuất chế biến sâu từ gạo, đa dạng hóa sản phẩm của nông nghiệp sạch.
Gạo của Công ty TNHH KC Hà Tĩnh chủ yếu xuất khẩu đến Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Theo đó, hàng hóa của công ty đang chủ yếu xuất khẩu bằng đường bộ. Vì vậy, công ty đang nghiên cứu, tìm hiểu xuất khẩu theo đường biển, đưa sản phẩm vào thị trường các nước: Philipines, Malaysia để giảm sự phụ thuộc vào thị trường lâu nay. Tuy nhiên, ở thời điểm này, do dịch bệnh nên chưa thể trực tiếp đi tìm hiểu thị trường, vì vậy, phương án này sẽ được thực hiện khi dịch bệnh được kiểm soát.
Khu vực Công ty TNHH KC Hà Tĩnh chuẩn bị lắp đặt máy móc để sản xuất bột sữa gạo.
Về phương án sản xuất chế biến sâu, công ty đang hướng đến 2 dự án chế biến sản phẩm bánh đa nem và bột sữa gạo với tổng mức đầu tư 8 - 9 tỷ đồng. Hiện dự án sản phẩm bột sữa gạo đang chờ lắp đặt máy móc, dự kiến sẽ hoàn thiện dây chuyền trong tháng 10/2021. Dự án bánh đa nem đang được lên kế hoạch, dự kiến sẽ triển khai vào tháng 12/2021.
Được biết, sản phẩm chế biến sâu có giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với xuất khẩu gạo. Chẳng hạn như 1 kg bột sữa gạo có giá 180 – 240.000 đồng, trong khi 1 kg gạo chỉ khoảng 28.000 đồng. Vì vậy, đây là hướng đi bền vững cho doanh nghiệp.
Thị trường chính của Công ty TNHH KC Hà Tĩnh là các nước châu Á như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… Các giống lúa gạo xuất khẩu chủ yếu là: J02, ST24, ST25, Khang dân 18… Hiện nay, 30% nguồn hàng của công ty là thu mua trong tỉnh và 70% ở ngoại tỉnh. Công ty đang liên kết sản xuất 500 ha lúa ở các huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên... và 800 ha ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang). |
Tin liên quan: