Ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Xuân thường xuyên ngóng tin con gái Ngọc Bích đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.
Kể từ khi biết tin con gái thứ 4 là Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1994, hiện đang trú tại phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) có tên trong danh sách các công dân được trở về đợt 1 (vào ngày 24/7), ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Xuân (bố mẹ Bích, tổ dân phố 6, thị trấn Đức Thọ) không giấu được nỗi xúc động.
Ngọc Bích là nhân viên bán hàng của một Công ty thực phẩm bánh kẹo ở TP. Hồ Chí Minh, chồng Bích cũng đang làm việc tại Công ty bánh kẹo Kinh Đô. Kể từ khi diễn biến dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh trở nên phức tạp, cuộc sống của hai vợ chồng gặp không ít khó khăn, nhất là khi Bích đã bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ (35 tuần).
Lo lắng cho con gái bụng mang dạ chửa lại xa nhà, ông Hùng, bà Xuân nhiều đêm mất ngủ. Chẳng thể nhớ nổi mỗi ngày, ông bà gọi bao nhiêu cuộc điện thoại để hỏi han, quan tâm và nhắc nhở con thường xuyên đảm bảo sức khỏe.
Bí thư chi bộ tổ dân phố 6 (thị trấn Đức Thọ) nhắc nhở gia đình Bích các phần việc phải làm sau khi con gái từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê.
Và rồi, nỗi lo của người thân Ngọc Bích đã được xua tan khi tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương đón công dân đang lưu trú, làm việc tại TP HCM và các tỉnh phía Nam có nguyện vọng trở về quê do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Sau khi biết tin, một mặt, tôi nhanh chóng liên hệ với UBND thị trấn và các ngành chức năng để được hướng dẫn. Mặt khác, tôi gọi điện cho con gái để thúc giục việc đăng ký danh sách tại hội đồng hương ở TP. Hồ Chí Minh”, ông Hùng nhớ lại.
Hiện tại, bố mẹ của Bích đã mua sắm đồ đạc, vật dụng thiết yếu, tạo điều kiện tốt và tâm lý thoải mái nhất để cho con gái sắp sửa “vượt cạn”.
Chị Nguyễn Thị Bảy (thôn Phong Giang, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân) thường xuyên điện thoại hỏi han tình hình con gái.
Vui mừng, hạnh phúc cũng là cảm xúc của chị Nguyễn Thị Bảy (mẹ em Trần Thu Huyền, SN 1999, sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, trú tại thôn Phong Giang, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân).
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Bảy rưng rưng nơi khóe mắt, không quên bày tỏ lòng biết ơn tới lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện để gia đình chị được đoàn tụ.
Những ngày con gái ở lại TP.HCM, chị Bảy luôn thường trực nỗi bất an. Quận 12 - quanh khu vực Huyền đang ở trọ tuy dịch bệnh chưa căng thẳng như một số nơi khác nhưng cuộc sống cũng không hề dễ dàng.
“Tôi đã chuẩn bị hoa quả cho con nhưng không thể gửi vào do tình hình dịch phức tạp”, chị Bảy cho biết.
“Mỗi khi có thông tin số ca dương tính tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tăng nhanh, nghĩ về con gái đang mắc kẹt, lòng tôi như thắt lại. Mặc dù con động viên rằng mình vẫn ổn, số lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu vẫn đủ duy trì trong nhiều ngày tới nhưng diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp khiến vợ chồng tôi không thể ăn ngon ngủ yên.
May mắn, cháu Huyền được trở về trong đợt đầu tiên. Tôi mong rằng, sắp tới, sẽ có nhiều người dân, con em Hà Tĩnh sớm được trở về với người thân, gia đình”, chị Bảy chia sẻ.
Trong khi đó, ở quê nhà, ông Nguyễn Duy Đổng (trú khối 3, thị trấn Nghèn, Can Lộc) đang chờ đợi, trông ngóng ngày vợ mình là bà Bùi Thị Bảy (SN 1957) trở về.
Vào chăm con dâu mới sinh, không may bà Bùi Thị Bảy (SN 1957, thị trấn Nghèn, Can Lộc) bị “mắc kẹt” tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh NVCC).
Được biết, tháng 4/2021, bà Bảy vào chăm con dâu (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) sinh nở. “Những ngày thành phố bận rộn do giãn cách, đến việc mua bó rau, cân thịt cũng hết sức khó khăn vì khan hàng. Nghe bà kể chuyện suốt ngày nhốt mình trong nhà vì không dám đi ra ngoài; gia đình thì toàn người già, cháu nhỏ nên tôi vô cùng lo lắng. Chính vì vậy, sau khi tỉnh liên hệ với Hội đồng hương tại TP. Hồ Chí Minh để đưa người dân trở về quê, tôi mừng đến phát khóc. Với gia đình tôi và những người đang có con em ở các tỉnh phía Nam, đó thực sự là tình nghĩa tuyệt vời mà quê hương dành tặng” - ông Đổng bày tỏ.
Được biết, ông Đổng thường xuyên hỏi han lịch trình, dặn dò vợ giữ gìn sức khỏe để lên đường.
Những người tha phương ở các tỉnh phía Nam có người thành đạt nhưng cũng không ít người lay lắt qua ngày, vất vả đánh đu với cuộc mưu sinh. Tình cảm đồng hương và những sẻ chia từ quê nhà trong lúc khốn khó, nguy cấp đối với họ là dòng nước dịu mát hơn bao giờ hết.