Xung đột Hamas - Israel: Nền kinh tế tại Dải Gaza “lao dốc” hơn 80%

Theo báo cáo của WB, cuộc xung đột nổ ra từ ngày 7/10/2023 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza và khiến kinh tế khu vực này sụt giảm hơn 80% trong quý 4 vừa qua.

Xung đột Hamas - Israel: Nền kinh tế tại Dải Gaza “lao dốc” hơn 80%

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah ở Dải Gaza ngày 22/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc xung đột Hamas - Israel không chỉ gây thiệt hại lớn về người, mà còn khiến nền kinh tế của Israel và Palestine chịu tổn thất nghiêm trọng.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc xung đột nổ ra từ ngày 7/10/2023 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza và khiến kinh tế khu vực này sụt giảm hơn 80% trong quý 4 năm 2023.

Theo con số thống kê của Israel, cuộc xung đột đã khiến 1.160 người thiệt mạng tại Israel, trong đó phần lớn là dân thường. Hamas bắt giữ khoảng 250 con tin và hiện còn 130 con tin vẫn đang bị giam giữ tại Gaza.

Trong khi đó, cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết các chiến dịch quân sự của Israel tại dải đất này đã khiến gần 30.000 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

WB đánh giá ngoài những thiệt hại về người, cuộc xung đột đã làm đình trệ nền kinh tế tại Dải Gaza. WB nêu rõ kể từ khi xung đột bùng phát, kinh tế ở Gaza đã trải qua một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử kinh tế khu vực.

WB đề cập đến ước tính sơ bộ từ Cục Thống kê Trung ương Palestine (PCBS), trong đó cho thấy GDP của Gaza đã giảm hơn 80% - từ khoảng 670 triệu USD trong quý 3 xuống chỉ còn 90 triệu USD trong quý 4 năm 2023.

WB cho rằng mức giảm 80% theo quý này tương đương với mức giảm 24% hằng năm, đồng thời đánh giá “mức độ thiệt hại và phá hủy tài sản là thảm khốc”.

Theo WB, hầu hết người dân ở Gaza sẽ sống trong cảnh nghèo đói, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong bối cảnh trên, ngày 22/2, WB đã công bố khoản tài trợ trị giá 30 triệu USD để giúp đảm bảo việc học tập của trẻ em ở Gaza không bị gián đoạn.

Cơ quan cứu trợ cho người tị nạn Palestine đối mặt nguy cơ cạn kiệt ngân sách

Trong khi đó, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) cảnh báo đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt ngân sách do thiếu hụt tài chính trầm trọng trong khi tình hình xung đột tại Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong thư gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc UNRWA, ông Philippe Lazzarini cho biết cơ quan này đang gặp khó khăn do nhiều quốc gia ngừng tài trợ, Israel gây sức ép đóng cửa và nhu cầu nhân đạo tăng cao.

Những yếu tố này khiến UNRWA khó có thể hoàn thành nhiệm vụ theo nghị quyết 302 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Nghị quyết này cho phép việc thành lập UNRWA vào năm 1949.

UNRWA hiện có khoảng 30.000 nhân viên hoạt động tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, Liban, Jordan và Syria.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản, đã tạm dừng tài trợ cho UNRWA sau khi Israel cáo buộc cho rằng một số nhân viên của UNRWA có liên quan tới cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel.

Xung đột Hamas - Israel: Nền kinh tế tại Dải Gaza “lao dốc” hơn 80%

Trẻ em Palestine tại trại tạm ở thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 18/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Lazzarini cho biết 438 triệu USD đã bị đóng băng, tương đương hơn một nửa số tiền dự kiến tài trợ cho năm 2024.

Trong diễn biến khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang lên kế hoạch sơ tán khoảng 140 bệnh nhân bị mắc kẹt tại Bệnh viện Nasser ở Gaza. Các đội y tế đã phải chôn cất 13 bệnh nhân tử vong tại khuôn viên bệnh viện do cơ sở này bị mất điện và thiếu oxy y tế.

WHO cho biết bệnh viện ở Khan Younis, cơ sở y tế lớn thứ hai của Gaza, đã ngừng hoạt động vào tuần trước sau khi bị Israel bao vây và tấn công.

WHO và các đối tác đã thực hiện ba đợt sơ tán từ bệnh viện, chuyển tổng cộng 51 bệnh nhân đến phía Nam Gaza.

Israel tố lực lượng Hamas lợi dụng hệ thống bệnh viện ở Dải Gaza để giấu đường hầm và các trung tâm điều hành, trong khi phong trào này bác bỏ cáo buộc trên.

Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khi xung đột kéo dài gần năm tháng qua mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phần lớn người dân tại Gaza phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và sống trong điều kiện thiếu thốn trầm trọng về lương thực, nước uống và thuốc men.

Hiện xung đột giữa Hamas và Israel đã lan tới Rafah - thành phố được xem là nơi trú ẩn cuối cùng của người Palestine mất nhà cửa do giao tranh. Ngày 22/2, Israel đã tiến hành không kích một số địa điểm tại thành phố này với quyết tâm tiêu diệt Hamas.

Mặc dù vậy, cũng trong ngày này, Nội các chiến tranh Israel đã biểu quyết thông qua quyết định cử phái đoàn tới Paris của Pháp nhằm nối lại cuộc đàm phán về con tin và lệnh ngừng bắn với Phong trào Hồi giáo Hamas qua sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar.

Quyết định được đưa ra sau khi phong trào Hamas thể hiện sự linh hoạt liên quan các điều khoản về một thỏa thuận khung do phía Mỹ xây dựng.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.