Số người chết vì TNGT tăng mạnh trong dịp nghỉ Tết dương lịch 2019. |
Ngày hôm qua, tôi vừa tiễn đưa người bạn mới 31 tuổi sau một tai nạn giao thông. Bạn tôi ra đi sau một bữa tiệc chia tay bạn bè, đồng nghiệp để về quê nghỉ tết Dương lịch với gia đình. Ai ngờ, đáng lẽ ngày bạn sum họp cùng vợ con, cha mẹ lại là ngày mọi người khóc thương tiễn đưa bạn ra nơi đồng không mông quạnh.
Bạn đi rồi để lại hai đứa con thơ không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình. Đứa con gái bé bỏng cứ nhoẻn miệng cười ríu rít “Tết nhà mình sao có đông người thế hả mẹ?”. Còn cô chị cũng chỉ biết hỏi ngu ngơ “Bố nằm trong kia rồi có dậy ăn cơm cùng cả nhà không mẹ?”.
Những tiếng khóc cứ xé lòng, xé ruột gan, khiến bao người nhìn người sống mà không cầm được nước mắt. Buồn hơn, khi trước tết, bạn tôi gọi điện về hẹn với cả nhà năm nay tiền dành dụm được sẽ sửa lại nhà và mua cho bé lớn một chiếc xe đạp. Giờ số tiền ấy, người thân của bạn dùng để lo tang lễ!
Trong những ngày nghỉ Tết dương lịch có 110 người chết vì tai nạn giao thông và 61 người bị thương. Điều đó cũng có nghĩa bằng đó gia đình phải chịu cảnh tang tóc, nặng nề, cuộc sống đảo lộn trong mấy ngày nghỉ lễ.
Năm nào cũng vậy, cứ nghỉ lễ tết là số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông lại gia tăng đột biến. Ngoài việc gia tăng lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông thì một phần không nhỏ dẫn đến các tai nạn thương tâm chính là từ ý thức của con người, là những bữa tiệc vui nhậu “không bờ bến” mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông, vẫn tiếp tục lái xe.
Đơn cử, tại Bệnh viện Việt Đức, trong những ngày nghỉ Tết dương lịch, các y bác sĩ đã phải tiếp nhận 200 trường hợp bị tai nạn giao thông, chiếm phần lớn số ca đến cấp cứu. Và phần lớn những ca cấp cứu này đều liên quan đến rượu bia, gây khó khăn cho công tác cứu chữa và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của nạn nhân.
Sau mỗi tai nạn giao thông là những hệ lụy khủng khiếp đối với mỗi gia đình và xã hội. Nhiều người đang là lao động chính, là trụ cột trong gia đình bỗng chốc trở thành kẻ tàn phế, gánh nặng cho người thân. Còn người chết thì an phận người chết, nhưng đằng sau họ còn cả những gánh nặng về cha mẹ già, con nhỏ hoặc những hoàn cảnh vô cùng éo le mà không ai có thể tưởng tượng được.
“Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”… những thông điệp ấy là những lời nhắc nhở không thừa với mỗi người khi ngồi sau vô lăng hoặc sau tay lái.
Chúng ta mới qua kỳ nghỉ Tết dương lịch mà đã phải chứng kiến sự mất mát quá lớn về con người. Tết Âm lịch cổ truyền của dân tộc sau đây 1 tháng còn được các gia đình đầu tư, còn nhiều bữa tiệc mong đợi hơn nữa… Hãy biết tiết chế, biết điểm dừng để không còn những dòng nước mắt cạn khô mỗi dịp Tết đến, xuân về./.