Người bị ngộ độc được đưa đến bệnh viện. (Ảnh: Reuters)
Vụ việc xảy ra tại một ngôi đền Hindu ở bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ hôm 14/12. Hơn 100 người khác cũng đã phải nhập viện điều trị sau khi ăn phải cơm cà chua chứa thuốc trừ sâu được ban quản lý ngôi đền chuẩn bị để phát cho các tín đồ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, một sĩ quan cảnh sát cấp cao cho biết, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy có sự hiện diện của monocrotophos - một loại thuốc trừ sâu tấn công vào hệ thần kinh của con người khi được hấp thụ vào cơ thể - trong cơm cà chua và trong các vũng nôn mửa của các nạn nhân.
“Chúng tôi đang cố gắng điều tra cách thức làm sao mà thuốc trừ sâu lại có trong thức ăn và không loại trừ khả năng đây là một âm mưu chơi xấu. Chúng tôi đã bắt giữ một số người và đang điều tra thêm”, giám đốc cảnh sát quận Chamrajnagar, ông Kumar Meena, nói nhưng không cho biết có bao nhiêu người đã bị bắt giữ.
Thuốc trừ sâu monocrotophos cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của 23 học sinh ở bang Bihar, phía Đông Ấn Độ, năm 2013. Đây là một trong những vụ ngộ độc hàng loạt tồi tệ nhất ở đất nước này. Nguyên nhân sau đó được tìm ra là do dầu ăn bị nhiễm độc vì được đựng trong các thùng trước đó chứa monocrotophos đã được sử dụng để chế biến thức ăn.
Theo WHO, nuốt 120 milligram monocrotophos, bằng trọng lượng của 5 hạt gạo, đã có thể gây tử vong.
Trong một báo cáo năm 2009, WHO đã khuyến cáo Ấn Độ ban hành lệnh cấm loại thuốc trừ sâu này trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia châu Á khác đã thực hiện trước đó. Nhập khẩu monocrotophos hiện nay là bất hợp pháp ở ít nhất 46 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ thì nước này hiện vẫn có kế hoạch để tiếp tục cho phép sử dụng thuốc trừ sâu monocrotophos cho các cây trồng không phải rau củ bởi tính hiệu quả và giá thành rẻ.
Monocrotophos chỉ có giá khoảng 50 rupee (tương đương 0,7 USD) cho một kg, trong khi một giải pháp thay thế đã được cấp bằng sáng chế sẽ có giá tới 20.000 rupee, cao gấp 400 lần, Pranjib Kumar Chakrabarty - trợ lý của tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp (ICAR) Ấn Độ cho biết.
“Nông dân muốn tiếp tục sử dụng nó. Nó an toàn nếu người sử dụng hoàn toàn tuân theo chỉ dẫn và không sử dụng trên rau củ”, ông Chakrabarty nói với Reuters.
Monocrotophos tiêu diệt một loạt các loài sâu hại từ rệp đến sâu bướm, ve, sâu đục thân và cào cào trên cây trồng như bông, lúa và mía. Các triệu chứng ngộ độc có thể bao gồm đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, mờ mắt và sùi bọt mép.