“Người lái đò” đi tìm “khách”
Thầy Đặng Quốc Hoàn cho biết: “Gắn bó với ngành giáo dục từ năm 1988 nhưng đến năm 2002, khi được phân công về công tác tại Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh, tôi mới có dịp tiếp xúc với các em học sinh dân tộc thiểu số. Được phân công giảng dạy môn Giáo dục thể chất kiêm Tổ trưởng Tổ Quản lý giáo dục học sinh, công việc của tôi không chỉ là dạy học mà còn là quản lý nền nếp học sinh. Đặc biệt, trong suốt gần 16 năm công tác tại trường, cứ vào dịp chuẩn bị cho năm học mới, tôi lại lên đường vào các bản làng ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... để tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cho con xuống trường học chữ”.
Thầy Đặng Quốc Hoàn đã có 16 năm Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh
16 năm ngược ngàn băng rừng vào bản, đến tận những ngôi nhà nằm heo hút trên những quả đồi, thầy Hoàn không nhớ rõ mình đã đến bao nhiêu ngôi làng, vào thăm gặp bao nhiêu gia đình. Vào những năm đầu tiên, đường sá đi lại còn khó khăn, có khi thầy phải gửi xe cuốc bộ cả chặng đường khoảng 5 km để vào bản. Đã thế, nhiều lúc đến nhà chỉ thấy bếp lửa bập bùng vì phụ huynh không hợp tác, học sinh không muốn đi học nên cứ thấy bóng thầy là bỏ trốn. Biết không thể nóng vội, liên tiếp 3 ngày ăn ngủ cùng bà con, cuối cùng, sự kiên trì cũng mang lại kết quả. Ngày học sinh xuống trường, xe đón học sinh cách bản khoảng 5 km, nhưng cả bản ra tiễn học sinh xuống trường đông như hội. Những mệt mỏi của thầy cũng như tan biến.
Mùa nắng ráo đi tìm học trò đã khó, mùa mưa, hành trình tìm trò càng gian nan hơn. Đã nhiều lần thầy Hoàn, trong hành trình đi vận động trẻ dân tộc tới trường đã bị té ngã, thương tích... Những chuyến băng rừng vượt núi trong sương đêm lạnh giá, trên những cung đường đèo heo hút vào bản Rào Tre không ngăn nổi bước chân và tấm lòng của người thầy. Hình ảnh thầy Hoàn một mình lặn lội dò đường vào bản giữa đêm hôm đã trở nên quen thuộc với người dân ở bản Rào Tre. Và trong suốt 16 năm ấy, thầy Hoàn cùng một số thầy cô giáo Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đã đưa 70 học sinh dân tộc thiểu số xuống núi học chữ.
Rèn luyện thể lực qua những giờ thể dục là một trong những hoạt động tạo sự hứng thú cho các em học sinh
Người cha của những học sinh dân tộc thiểu số
Vận động được học sinh dân tộc đi học đã khó, nhưng để giữ chân và truyền đạt kiến thức cho các em còn khó hơn nhiều. Học sinh nhớ nhà trốn học hoặc lấy cớ về thăm nhà rồi ở lại bản không đến trường là chuyện xẩy ra thường xuyên khiến giáo viên trong trường lo lắng.
Thầy Hoàn chia sẻ: “Mỗi khi có học sinh trốn học là một lần các thầy cô giáo lại nháo nhào, tất bật ngược xuôi để tìm kiếm. Như năm học 2006-2007, em Hồ Thị Bưởi (dân tộc Chứt) đột nhiên trốn học đi lạc vào rừng khiến nhà trường hết sức lo lắng. Trong quá trình chia nhau tìm kiếm, thật may, chúng tôi đã tìm thấy khi em vừa được người dân đưa về nhà. Thực tế đó khiến giáo viên chúng tôi trăn trở mãi. Và chỉ có sự gần gũi, yêu thương chân tình của người thầy, người cô mới giữ chân được các em”.
Viêc thường xuyên theo dõi, điểm danh học sinh đã giúp thầy kịp thời phát hiện học sinh vắng mặt trong mỗi buổi học
Chính vì thế, ngoài công việc dạy học, thầy Hoàn luôn gần gũi, tận tình chỉ bảo, quan tâm các em. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ kiến thức đến cách ứng xử, thầy đều uốn nắn từng chút một. Sự vất vả, gian nan, nỗ lực miệt mài của người thầy đã được đền đáp bằng sự chăm ngoan, nền nếp của các em. Lứa học sinh đầu tiên được thầy Hoàn đưa xuống núi “tìm chữ”, đến nay, nhiều em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có việc làm ổn định. Đó là các em Hồ Thị Loan - giáo viên Trường Mầm non Hương Vĩnh; các em: Hồ Văn Kiều và Hồ Văn Minh đều trở thành chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh; em Hồ Thị Kiêm làm Trưởng bản Rào Tre.
Với thầy, điều đó còn hạnh phúc hơn cả việc đón nhận danh hiệu nhà giáo tiêu biểu, giáo viên giỏi tỉnh, hay bằng khen của UBND tỉnh.