Đến chiều cùng ngày, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và được đưa đến BVĐK huyện Văn Bàn, Lào Cai cấp cứu, điều trị, với các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn và thượng vị, buồn nôn nhưng không nôn. Trong 17 học sinh phải nhập viện, có một em diễn biến nặng đã tử vong.
Nhóm học sinh ngộ độc quả hồng châu đang điều trị tại BVĐK huyện Văn Bàn.
16 bệnh nhân còn lại, có 8 bệnh nhân được hội chẩn và chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán: Suy gan cấp, bệnh nhân rối loạn điện giải do ngộ độc quả hồng châu .
8 bệnh nhân còn lại hiện đang điều trị tại BVĐK huyện Văn Bàn, sức khỏe đã dần ổn định. Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu quả hồng trâu nhóm học sinh đã ăn gửi Viện Kiểm nghiệm phân tích.
Không chỉ tại Lào Cai mà các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lai Châu cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong và nhập viện vì ăn loại quả độc này.
Đặc điểm nhận dạng cây hồng châu
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn quả hồng châu cũng như các loại quả dại khác, kể cả chỉ ăn thử một lần.
Cây hồng châu có đặc điểm là thường mọc ở khu vực núi đá thuộc dạng cây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to bằng 2 ngón tay người lớn, dài khoảng từ 11 - 12cm, màu của lá xanh đậm.
Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, khi quả non vỏ có màu xanh nhạt, chín chuyển thành màu tím, hơi mềm, bên trong quả có lớp vỏ màu hồng, có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp.
Quả hồng châu.
Quả hồng châu chín rộ vào các tháng 6, 7, 8 hàng năm. Vì thế đây cũng là các tháng trong năm thường ghi nhận các vụ ngộ độc do ăn phải quả hồng châu và chủ yếu là trẻ em, tập trung ở độ tuổi từ 6 - 12 tuổi.
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chủ yếu trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Xử trí khi ngộ độc quả hồng châu
- Gây nôn ngay lập tức.
- Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.
- Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.
- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng.
- Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
Để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, người dân, đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại cây, củ, quả lạ mọc trong rừng, trong đó có quả hồng châu để phòng ngừa ngộ độc có thể dẫn đến tử vong. Khi thấy trong người xuất hiện các các triệu chứng ngộ độc cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.