Những giống lúa mới ở Hương Khê cho năng suất cao.
Nông dân phấn khởi được mùa giống mới
Vụ xuân 2020, ông Lê Văn Thủy (thôn 3 xã Hà Linh, Hương Khê) mạnh dạn chuyển đổi sang giống mới LP5 do Công ty CP Giống và Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Hà (Lộc Hà) cung ứng.
Ông Lê Văn Thủy (thôn 3, xã Hà Linh, Hương Khê) mạnh dạn sản xuất thử nghiệm giống mới LP5, năng suất ước đạt hơn 3 tạ/sào.
“Khi xã cơ cấu giống lúa thuần LP5 vào trồng thử nghiệm, tôi tìm hiểu và hưởng ứng ngay. Xuống giống với diện tích 3 sào, cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là không bị bệnh đạo ôn, rầy nâu... Lúa trĩu hạt, năng suất ước đạt mỗi sào trên 3 tạ, hơn hẳn giống lúa cũ khoảng 50 kg” – ông Thủy phấn khởi nói.
Giống lúa lai thơm 6 lần đầu được trồng thử nghiệm trên đất Hương Khê
Cách đó không xa, đồng lúa lai thơm 6 (Công ty TNHH Cường Tân – Nam Định) của ông Ngô Đăng Hồng cây nào cũng nặng bông. Đây là loại giống lúa lai 2 dòng cho năng suất, chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu lần đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đất Hương Khê với diện tích 1,3 ha.
Giống lúa lai thơm 6 đẻ nhánh khỏe và lượng hạt cao từ 185 – 187 hạt/bông
Ông Hồng cho biết: Vụ xuân 2020, ông gieo giống lúa lai thơm 6 trên diện tích 1,5 sào, cho năng suất vượt trội so với các giống lúa lai khác đang sản xuất tại địa phương. Ưu điểm của loại giống này đẻ nhánh khỏe và lượng hạt đạt cao, từ 185 – 187 hạt/bông, chắc chắn năng suất sẽ đạt gần 61 tạ/ha.
Niềm vui được mùa của người nông dân Hương Giang khi sử dụng giống lúa mới ADI 168.
Giống lúa mới ADI 168 ở xã Hương Giang “no” hạt vàng ươm, được mùa khiến cho bà con nông dân ở đây không giấu được niềm vui.
“Lần đầu tiên tôi sử dụng giống lúa ADI 168 của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI (Hà Nội) nhưng mang lại hiệu quả cao bởi chi phí đầu tư ít, tỷ lệ hạt lép thấp, đặc biệt không bị đổ, ngã. Với diện tích 2,5 sào, tôi không cần phải bón phân chuồng mà cây lúa vẫn phát triển tươi tốt, hiệu quả cao”, bà Đậu Thị Hoa - xóm 12 xã Hương Giang vui vẻ nói.
Qua đánh giá, giống lúa ADI 168 được trồng thí điểm trong vụ xuân 2020 với diện tích 193 ha tại 9 xã ở Hương Khê đạt năng suất bình quân 57,48 tạ/ha
Mở ra triển vọng mới
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho hay: Hương Khê là địa bàn huyện miền núi khó khăn, thường xuyên xẩy ra hạn hán, lũ lụt, thời tiết khắc nghiệt tác động đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ảnh hướng rất lớn đến cây trồng ngắn ngày, nhất là cây lúa.
Bởi vậy, vụ xuân 2020, huyện mạnh dạn lựa chọn, cơ cấu những giống mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác nhằm kháng chịu tốt sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng gạo, nâng cao hiệu quả kinh tế thay thế bộ giống lúa truyền thống chất lượng thấp hơn.
Các giống lúa này mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của huyện Hương Khê.
“Vụ xuân 2020 dù thời tiết khắc nghiệt, diễn biến rất bất thường nhưng kết quả bước đầu đã đem lại thành công đối với các loại giống LP5, ADI 168, lúa lai thơm 6 trên địa bàn huyện Hương Khê. Qua những mô hình trình diễn trên cho thấy, sự chống chịu của từng nhóm giống rất tốt, quy trình canh tác phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Đánh giá sơ bộ, năng suất bình quân các giống lúa trên đạt 60 tạ/ha, tăng từ 3 - 5 tạ so với bộ giống cũ” – ông Kỳ khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTTNT Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh, những giống mới LP5, ADI 168, lúa lai thơm 6 cho năng suất ở những vùng miền khác nhau. Nếu so với mặt bằng chung với các loại giống đại trà thì đây là hướng mở tốt, rất có triển vọng đối với huyện Hương Khê.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra các mô hình trình diễn giống lúa mới trên địa bàn huyện Hương Khê.
Trước hết, là thời gian sinh trưởng của các loại giống trên phù hợp từ 115 - 120 ngày. Mức độ nhiễm bệnh nằm trong tầm khống chế, nhất là với các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn, rầy nâu... Qua đó, các hộ dân xử lý thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, giảm thiểu ô nhiễm.
“Trong các vụ sản xuất sắp tới, huyện Hương Khê cần nhân rộng dần các loại giống trên tại những vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt để tăng năng suất, hiệu quả. Song song với đó, huyện cũng cần lựa chọn những nơi chủ động về nguồn nước....” – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh khuyến cáo.