Chiều 8/20, Hội LHPN tỉnh phối hợp Ban quản lý dự án WOBA tổ chức họp giao ban 9 tháng đầu năm
Trong 9 tháng đầu năm, sau khi thống nhất chủ trương, kế hoạch giữa các bên liên quan, Hội LHPN tỉnh đã chọn 35 xã thuộc các huyện: Hương Sơn, Can Lộc, Cẩm Xuyên để thực hiện hợp phần vệ sinh; chọn 7 công trình cấp nước thuộc 20 xã của 5 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Can Lộc, Hương Khê để thực hiện hợp phần nước sạch.
Để giới thiệu dự án đến cộng đồng, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức; cử tuyên truyền viên đến tận từng hộ gia đình tìm hiểu nhu cầu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; phấn đấu đưa dự án tiếp cận với các hộ yếu thế, dễ bị tổn thương trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên Trần Thị Thanh Liên: Một số đối tượng là phụ nữ nghèo đơn thân gặp khó khăn trong việc tiếp cận với dự án
Các đơn vị đã tổ chức được 3 cuộc hội nghị tập huấn điểm, 27 hội nghị triển khai, 8 lớp tập huấn cụm xã với sự tham gia của gần 550 người. Từ tháng 3/2019 đến nay, 35/35 xã thực hiện hợp phần vệ sinh được Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (đơn vị chủ trì dự án) công nhận kết quả thẩm định và đưa vào hệ thống dữ liệu của dự án.
Đối với hợp phần nước sạch, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã thẩm định 4/7 công trình cấp nước thuộc 15 xã, trong đó có 3 công trình đạt; 3/7 công trình còn lại đang được tập trung cao để triển khai rà soát kịp thời.
Trong đợt I thẩm định, đã có 113 nhà vệ sinh đạt chuẩn; tổng số tiền giải ngân cho các hộ dân hơn 67 triệu đồng. Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang rà soát 532 hồ sơ nhà vệ sinh hoàn thành và chuyển cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thẩm định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường: Nên thống nhất các nguồn vốn vay phát triển công trình vệ sinh, nước sạch và tuyên truyền cho người dân nắm rõ các dự án liên quan đang được áp dụng hiện nay để tránh chồng chéo trong thực hiện.
Tại hội nghị, đại biểu phân tích những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện như: Hầu hết các địa phương mới tham gia dự án lần đầu nên còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn, trùng lặp trong quá trình triển khai. Một số công trình vệ sinh còn mắc lỗi kỹ thuật; công trình vệ sinh cho người khuyết tật chưa phù hợp.
Ông Ngô Đình Lê Dũng (áo xanh) - đại diện dự án WOBA: Hà Tĩnh phải sâu sát hơn nữa trong quá trình thực hiện để giúp người dân hiểu đúng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của dự án WOBA
Bên cạnh đó, sự vào cuộc, đồng hành của chính quyền địa phương còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa hiểu rõ tính chất của dự án, còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của dự án và các cơ quan liên quan.
Từ những hạn chế đó, đại biểu cho rằng, cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân, cán bộ phụ nữ cơ sở hiểu rõ về dự án WOBA và nắm vững các nguồn xây dựng vệ sinh, nước sạch đang được thực hiện trên địa bàn để tránh chồng chéo.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Dương Thị Hằng: Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ sở rà soát đối tượng, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện để nâng cao hiệu quả của dự án WOBA trong cộng đồng.
Đối với một số đối tượng là hộ phụ nữ nghèo đơn thân, nguồn hỗ trợ từ dự án không đủ khuyến khích họ xây công trình vệ sinh; một số hộ nghèo khó tiếp cận nguồn vốn vay. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.
Đại diện dự án WOBA mong muốn phía Hà Tĩnh tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của dự án.
Hà Tĩnh cũng cần thực hiện với cách thức sâu sát hơn để nâng cao hơn nữa hiệu quả; đưa dự án đến gần hơn với các đối tượng yếu thế trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng người khuyết tật.
Dự án WOBA được ký kết triển khai giữa tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và Trung ương Hội LHPN Việt Nam từ 13/9/2018 – 30/10/2022. Dự án hướng đến xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh đạt chuẩn của Bộ Y tế và đấu nối các công trình nước sạch cho các đối tượng thụ hưởng trực tiếp gồm: hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương theo quy định của Chính phủ. Hà Tĩnh là một trong 5 tỉnh triển khai dự án với tổng nguồn vốn dự kiến gần 7.5 tỷ đồng. |