Tạp chí Forbes mới công bố danh sách các gia tộc giàu nhất tại châu Á. Trong đó, gia tộc họ Lee của đế chế Samsung mất vị trí số 1 vào tay nhà Ambani của Ấn Độ.
Dưới đây là 5 gia đình sở hữu khối tài sản lớn nhất tại châu Á.
1. Gia tộc Ambani (Ấn Độ): Tài sản ròng: 44,8 tỷ USD
Tỷ phú Mukesh Ambani - Ảnh: Time.
Vào những năm 1980, Dhirubhai Ambani, từng làm việc tại một cử hàng xăng dầu ở Yemen, rồi đi buôn ớt và sợi trước khi thành lập hãng sợi Reliance Textile Industries. Sau đó, ông phát triển công ty này trở thành một trong những đế chế tư nhân lớn nhất tại Ấn Độ. Qua đời vào năm 2002, ông để lại tài sản cho hai con trai Mukesh và Anil. Tuy nhiên, do mâu thuẫn, hai anh em nhà Ambani đã chia đôi đế chế khổng lồ.
Hiện tại, thế hệ thứ ba của gia tộc Ambani cũng tham gia vào công việc kinh doanh. Hai con sinh đôi của Mukesh đang làm việc tại công ty viễn thông Reliance Jio Infocomm và Reliance Retail. Còn con trai của Anil làm việc tại Reliance Capical.
Năm 2017, giá cổ phiếu đế chế Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani tăng mạnh nhờ mảng khai khoáng và viễn thông ăn nên làm ra. Tỷ phú này đã khơi mào cuộc chiến về giá trên thị trường viễn thông vốn cạnh tranh khốc liệt tại Ấn Độ khi tung ra dịch vụ 4G Jio năm ngoái. Đến nay, Jio đã có gần 140 triệu thuê bao.
Trong khi đó, công ty viễn thông Reliance Communications của em trai ông mới đây dừng thương vụ sáp nhập dự kiến với đối thủ Aircel của tỷ phú Malaysia Ananda Krishnan và tuyên bố dừng cung cấp dịch vụ 2G.
2. Gia đình Lee (Hàn Quốc): Tài sản ròng: 40,8 tỷ USD
Thế hệ thứ 3 của đế chế Samsung: Lee Seo-huyn (trái), Lee Boo-jin (giữa) Lee Yae-yong (phải) - Ảnh: Business Insider.
Gia tộc họ Lee nắm giữ tập đoàn Samsung với gần 45% tài sản đến từ Samsung Electronics. Chủ tịch Lee Kun-Hee, con trai của nhà sáng lập Samsung, hiện không còn lãnh đạo tập đoàn sau cơn đau tim vào năm 2014. Con trai duy nhất của ông, cũng là người thừa kế đế chế này Lee Yae-yong (Jay Y. Lee) mới đây bị tuyên án 5 năm tù do liên quan tới bê bối tham nhũng khiến cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất. Hiện Jay Y. Lee đang kháng cáo phủ nhận các cáo buộc tham nhũng và khai man.
80 năm trước, nhà sáng lập Samsung Lee Byung-Chul đã biến một công ty thương mại khiêm tốn trở thành nhà sản xuất điện thoại và TV lớn nhất thế giới. Trong những năm 1990, đế chế Samsung chia thành 4 công ty độc lập: Samsung, CJ, Shinsegae và Hansol. Kinh doanh đa ngành từ điện tử cho tới bán lẻ, giải trí, tất cả các công ty này đang được điều hành bởi thế hệ thứ hai và thứ ba của gia tộc Lee và mang về doanh thu hơn 300 tỷ USD mỗi năm.
3. Gia tộc Kwok (Hồng Kông): Tài sản ròng: 40,4 tỷ USD
Tỷ phú Thomas Kwok - Ảnh: Financial Post.
Gia tộc trùm địa ốc giàu nhất châu Á này sở hữu tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai Properties. Công ty này được điều hành bởi hai anh em Thomas và Raymond Kwok trước khi Thomas vào tù do liên quan tới tham nhũng từ năm 2014. Từ đó, Raymond giữ vai trò chủ tịch duy nhất của Sun Hung Kai. Bất chấp bê bối liên quan tới người đứng đầu, tập đoàn này vẫn đạt doanh thu kỷ lục trong năm tài chính kết thúc vào tháng 7/2017, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Sun Hung Kai Properties cũng mở rộng sang Trung Quốc đại lục - nơi chiếm gần 60% tổng diện tích các dự án của công ty. Hai anh em Thomas và Raymond đã "hất cẳng" người anh cả Walter ra khỏi đế chế này vào năm 2008. Hiện Walter đang điều hành công ty bất động sản của riêng mình.
Năm 1969, cùng với Fung King Hey và Lee Shau Kee, cha của họ - ông Kwok Tak-Seng thành lập công ty Sun Hung Kai & Co. 3 năm sau đó, ông mở công ty Sun Hung Kai Properties của riêng mình và đưa lên sàn chứng khoán vào năm 1972.
4. Gia tộc Chearavanont (Thái Lan): Tài sản ròng: 36,6 tỷ USD
Tỷ phú Dhanin Chearavanont - Ảnh: Reuters.
Ra đời năm 1921, Charoen Pokphand Group khởi nguồn là một cửa hàng bán hạt giống Trung Quốc hai anh em Chia ek Chor và Choncharoen Chiaravanont thành lập. Hiện đây là một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới.
Tập đoàn này sau đó được điều hành bởi con trai Dhanin của Chia Ek Chor với vị trí chủ tịch cấp cao cùng 3 anh em trai và một số họ hàng khác.
Sau 48 năm giữ vị trí chủ tịch kiêm CEO công ty, tháng 1/2017, Dhanin Chearavanont giao lại vị trí lãnh đạo đế chế này cho con cả Soopakij, 53 tuổi và con út Suphachai, 50 tuổi (lần lượt là chủ tịch và CEO).
Năm 2017, tài sản của gia tộc này tăng thêm 9 tỷ USD.
5. Gia tộc Hartono (Indonesia): Tài sản ròng: 32 tỷ USD
Tỷ phú Michael Hartono - Ảnh: Penulispro.
Gia tộc giàu nhất Indonesia gây dựng khối tài sản khổng lồ từ việc bán thuốc lá đinh hương (kretek) cuốn tay với công ty Djarum. Hiện nay, Djarum vẫn là một trong những nhà sản xuất thuốc lá đinh hương lớn nhất thế giới.
Đế chế của gia tộc Hartono hiện mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực từ điện tử cho tới bất động sản và được điều hành bởi hai anh em Budi và Michael Hartono.
Hiện tại, 2/3 tài sản của gia tộc Hartono đến từ cổ phần tại ngân hàng Bank Central Asia (BCA). Tháng 4/2017, gia đình này nâng cổ phần tại ngân hàng này từ 47% lên 55%. Năm 2016, BCA vượt qua ngân hàng DBS của Singapore thành ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á.