Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 10/6: Đã 56 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 11/6: Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 10/6 đến 6h ngày 11/6: 0 ghi nhận ca mắc mới
Ca bệnh nhập cảnh gần đây nhất là ca bệnh 322 được Ban Chỉ đạo công bố 18h ngày 8/6 là bệnh nhân nam, 18 tuổi, có địa chỉ tại xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 9.226, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 159
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.722
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 345
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 , đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 320/332 bệnh nhân (chiếm 96,4% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).
12 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 6 cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.
Tính đến sáng ngày 11/6 , trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 1 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 8 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Liên quan đến bệnh nhân 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin từ Tiểu Ban Điều trị cho biết sức khỏe bệnh nhân 91 (phi công người Anh) tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực, đáng kinh ngạc.
Sau 1 tuần ngừng ECMO, hiện bệnh nhân tỉnh, trí nhớ vẫn tốt dù hôn mê thời gian dài (nhớ password điện thoại, máy tính bảng), tay có thể thực hiện các động tác tinh tế như bấm bàn phím điện thoại, tuy nhiên chân bệnh nhân còn yếu chưa chống để nâng người được.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, bệnh nhân đáp ứng với kháng sinh và kháng nấm, ngày qua đã giảm sốt.
Phổi của bệnh nhân cải thiện nhiều, chỉ cần sử dụng oxy nồng độ thấp, tuy nhiên sức cơ hô hấp còn yếu. Về chức năng tiêu hoá: tình trạng chướng bụng của bệnh nhân đã giảm, cho ăn qua đường tiêu hoá bệnh nhân dung nạp, có thể nuôi ăn qua đường tiêu hoá 1000 ml súp xay/ ngày.
Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt. Đến nay bệnh nhân ngưng lọc máu được 2 tuần.
Bệnh nhân hiện cũng đã ngưng dùng 1 loại kháng sinh vì kết quả vi sinh không ra vi khuẩn Gram dương. Đồng thời vẫn sử dụng kháng đông dự phòng đường uống xarelto.
Các bác sĩ cũng tiến hành tập vật lý trị liệu cho người bệnh 2 lần/ngày, điều chỉnh nước điện giải và săn sóc vết loét cùng cụt.
Trước đó, bệnh nhân đã lần đầu mỉm cười với các nhân viên y tế vào ngày 4/6, đến ngày 8/6, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân, đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.
Sau khi cai thành công ECMO, sức khỏe của nam phi công người Anh nhiễm tiếp tục diễn biến thuận lợi. Bác sĩ đang cho bệnh nhân thở oxy với chỉ số thấp, từng bước tập cai máy thở cho người bệnh.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 85 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6.