Đám lửa bùng lên từ khu vực đang sửa chữa của Nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh: LE PARISIEN
Vụ hỏa hoạn làm hư hỏng một phần Nhà thờ Đức Bà Paris đang làm nước Pháp và cả thế giới rúng động. Hiện đám cháy đã được kiểm soát sau hàng giờ liền vật lộn của lính cứu hỏa. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra, làm rõ.
1. Nguyên nhân vụ cháy là gì?
Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris nhìn từ sông Seine - Ảnh: REUTERS
Văn phòng công tố Paris đã mở cuộc điều tra và giao cho cảnh sát hình sự Pháp vì tính chất phức tạp và mức độ thiệt hại lớn của vụ việc. Công tác khắc phục đám cháy đang được ưu tiên.
Theo cảnh sát Pháp, họ đang điều tra về giả thuyết đám cháy gây ra ở phần di tích đang cải tạo, trùng tu bên trong nhà thờ.
Vào ngày 15-4, có nhiều giàn giáo được dựng lên phục vụ công tác trùng tu Nhà thờ Đức Bà.
"Nhà thờ Đức Bà biến thành một hộp diêm khổng lồ", ông Serge Delhaye - chuyên gia pháp lý về cháy nổ, cho biết.
Theo ông, khung nhà thờ rất cũ, bụi gỗ, các mối hàn hoặc chập điện đều có thể là nguyên nhân gây ra vụ cháy. Và các chuyên gia tư pháp như ông sẽ phải tìm ra nguyên nhân để truy cứu trách nhiệm.
2. Lính cứu hỏa có tiếp cận tới đỉnh nhà thờ hay không?
Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy - Ảnh: REUTERS
Trong nhiều thập kỷ, Nhà thờ Đức Bà là công trình cao nhất tại Paris với ngọn tháp cao 96 mét. Một tòa nhà cao như vậy đã gây phức tạp cho công tác chữa cháy, khiến ngọn lửa có điều kiện lan ra nhanh chóng.
Mái nhà của nhà thờ cũng nằm ở độ cao 45 mét. Tuy nhiên, cần cẩu chữa cháy chỉ có thể lên cao tối đa 30 mét, theo lời tướng Gilles Glin, từng chỉ huy Sở cứu hỏa Paris từ năm 2011-2014.
Đây là vấn đề khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn, kể cả khi mức độ vòi nước xịt đi khá xa.
3. Tại sao không chữa cháy từ bên ngoài trước?
Lính cứu hỏa Paris chữa cháy từ bên trong trước để giải cứu các di vật - Ảnh: REUTERS
Hình ảnh đám cháy lan ra với tốc độ chóng mặt phản ánh một sự thật là trong một khoảng thời gian dài, không hề có sự triển khai của vòi nước cứu hỏa, cũng không có thang cứu hỏa.
Đây thuộc về chiến lược chữa cháy. Trái với lính cứu hỏa Mỹ, lính cứu hỏa Pháp chữa cháy từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Cách làm việc này tuy nguy hiểm nhưng hiệu quả hơn trong việc bảo tồn các di sản của nhà thờ. Nếu phun nước từ bên ngoài, luồng khí nóng lên tới 800 độ C sẽ bị thổi vào trong nhà thờ và làm gia tăng thiệt hại.
Chiến lược này rất hiệu quả trong trường hợp rủi ro sập đổ của tòa nhà không quá cao. "Sẽ không có ai mạo hiểm mạng sống con người để đi cứu một vài bức tranh, cho dù đó là Nhà thờ Đức Bà đi chăng nữa. Ưu tiên của chúng tôi là mạng sống con người", một lính cứu hỏa cho biết.
4. Tại sao máy bay chữa cháy không được triển khai?
Máy bay chữa cháy được xem là phương án hại nhiều hơn lợi trong trường hợp Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: REUTERS
Đây là câu hỏi hiện lên trong đầu nhiều người, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump nói "máy bay chữa cháy có thể dập tắt ngọn lửa". Tuy nhiên, đây là lựa chọn thiếu thực tế.
"Một lượng lớn nước thả từ máy bay sẽ gây nguy hiểm cho người dân thành phố", tướng Glin giải thích.
Ông cho biết thêm là sức mạnh của nước trong trường hợp đó có khả năng giúp lửa lan ra mạnh hơn thay vì dập tắt lửa và thậm chí đe dọa tính mạng những lính cứu hỏa bên trong nhà thờ.
Đó là chưa kể các máy bay cứu hỏa ở tận miền Nam nước Pháp và lấy nước từ sông Seine mang lên sẽ gây nguy hiểm cho các cây cầu.
5. Nhà thờ Đức Bà có hệ thống chữa cháy không?
Hệ thống chữa cháy tự động không được lắp đặt để tránh tổn hại di vật và kiến trúc bên trong - Ảnh: REUTERS
Nhà thờ Đức Bà được trang bị hệ thống báo cháy hiệu quả. "Chúng tôi đã nghe báo động cháy lúc 18h30", ông André Finot - giám đốc tuyền thông của Nhà thờ Đức Bà, cho biết.
Theo ông Finot, mọi người lập tức nhận ra báo động cháy vì trước đó vài ngày họ đã diễn tập cứu hỏa.
Tuy nhiên, nhà thờ không có hệ thống chữa cháy tự động. Vì đặc thù cổ lâu năm của tòa nhà, rất khó để trang bị các thiết bị chữa cháy tự động vì khó lắp đặt và lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến kiến trúc.
Thậm chí theo giới chức Pháp, hệ thống chữa cháy tự động có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn trong trường hợp có hỏa hoạn.
6. Làm thế nào để bảo vệ di sản trong nhà thờ?
Người dân tập trung bên bờ sông để xem cứu cháy cho Nhà thờ Đức Bà - Ảnh: REUTERS
Trong trường hợp hỏa hoạn, lũ lụt thì ưu tiên sơ tán tất cả di sản văn hóa. Bản thân công trình nhà thờ đã là một di sản vô giá nhưng các tác phẩm bên trong cũng có giá trị không nhỏ.
"Chúng tôi làm việc với các chuyên gia để xác định các món đồ đã được sơ tán", tướng Glin cho biết. Ngoài nhân viên cứu hỏa được huy động để dập tắt ngọn lửa, một cơ số lính cứu hỏa khác được huy động để "sơ tán khẩn cấp các tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ".