60 trường hợp nhiễm mới HIV ở Hà Tĩnh - cần chung tay hành động!

(Baohatinh.vn) - 10 tháng năm 2019, Hà Tĩnh phát hiện 60 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó 39 nam và 21 nữ. HIV/AIDS tại Hà Tĩnh không chỉ tập trung ở thành phố hay khu vực đông dân cư như trước đây mà đã len lỏi đến tận vùng sâu, vùng xa.

Lây lan vì… sự kỳ thị

Anh Trần Hậu M. ở huyện Hương Sơn do e sợ thái độ kỳ thị của mọi người nên né tránh việc xét nghiệm và không thực biện các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, do đó hậu quả là làm lây nhiễm HIV cho vợ.

“Mặc dù biết mình có nguy cơ nhiễm HIV do ăn chơi, nhiều lần định đi xét nghiệm nhưng sợ mọi người kỳ thị nên không dám. Bây giờ thì lây nhiễm HIV cho vợ nên rất hối hận” - anh M. bộc bạch.

60 trường hợp nhiễm mới HIV ở Hà Tĩnh - cần chung tay hành động!

Bệnh nhân nghiện ma túy được bác sỹ tư vấn trước khi điều trị Methadone

Còn chị Lê Thị T. ở huyện Kỳ Anh nghẹn ngào: “Chị không may bị nhiễm HIV từ chồng, sau khi chồng chị mất vì căn bệnh AIDS, lúc đó con mới được 4 tuổi. Sau kết quả xét nghiệm thì mẹ con tôi cũng bị nhiễm HIV. Từ đó gia đình, hàng xóm cũng xa lánh, nhà trường cũng không nhận con tôi vào học. Tôi đã viết đơn và nhờ chính quyền địa phương can thiệp, đến 2 năm sau nhà trường mới chấp nhận cho con tôi đi học”.

Hiện nay, trong xã hội nhiều người nhiễm HIV còn đang bị cô lập. Nhiều người phải rời quê hương đi nơi khác sống để không ai biết họ bị nhiễm HIV. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Sợ hãi không dám xét nghiệm HIV đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng. Nhiều người chỉ tìm đến điều trị khi đã ốm nặng và không thể giấu được các triệu chứng của bệnh tật. Hậu quả là làm tăng các chi phí chăm sóc, điều trị và bỏ phí mất những ích lợi về điều trị sớm nhằm giảm lây lan HIV.

Nỗ lực của ngành y

Trong 10 tháng năm 2019, Hà Tĩnh phát hiện 60 trường hợp nhiễm mới HIV, trong đó 39 nam và 21 nữ. Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang điều trị bằng thuốc ARV cho 397 bệnh nhân.

Từ năm 2009 (năm đầu tiên triển khai dịch vụ Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) đến 31/10/2019 có 41 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được trung tâm hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; trong đó có 37 bà mẹ đã sinh được 44 trẻ (có 7 bà mẹ sinh lần 2).

60 trường hợp nhiễm mới HIV ở Hà Tĩnh - cần chung tay hành động!

Cán bộ y tế tư vấn cho người có nguy cơ nhiễm HIV làm xét nghiệm kiểm tra HIV

Tất cả các cháu đều được sinh ra khỏe mạnh, an toàn không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Hà Tĩnh duy trì hiệu quả 3 cơ sở điều trị và 3 cơ sở cấp phát thuốc Methadone, với tổng số 206 bệnh nhân tham gia điều trị.

Qua quá trình điều trị, có trên 95% bệnh nhân ngừng sử dụng ma túy; sức khỏe được cải thiện, không có bệnh nhân nào nhiễm mới HIV, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được ổn định.

Chị Nguyễn Thị N. huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chia sẻ: “Chị không may bị nhiễm HIV từ chồng vào năm 2008, hai vợ chồng đã đến đây nhận thuốc ARV uống. Sau khi uống thuốc thấy sức khỏe ngày càng ổn định, làm ăn buôn bán như bao người khác. Cả hai đều tham gia vào CLB “Vì ngày mai tươi sáng”. Đặc biệt, nhờ thực hiện gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên chúng tôi đã sinh 2 cháu đều an toàn không bị lây nhiễm HIV từ mẹ”.

Còn anh Nguyễn Văn T. (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) bộc bạch: “Sau khi biết tại huyện nhà có cơ sở điều trị Methadone tôi đến uống thuốc, điều trị, nay sức khỏe rất tốt, tăng được 4kg và đặc biệt hơn tôi bỏ hẳn heroin, có việc làm ổn định giúp đỡ gia đình, có người yêu và sẽ cưới vợ vào dịp cuối năm”.

60 trường hợp nhiễm mới HIV ở Hà Tĩnh - cần chung tay hành động!

Bệnh nhân đến uống thuốc Methadone tại cơ sở điều trị Methadone tại TP Hà Tĩnh

Để tăng cường chất lượng phục vụ và nâng cao hiệu quả quản lý, ngành y tế đã triển khai phần mềm “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone”. Đặc biệt, trong nội dung ứng dụng có công nghệ tích hợp mã vạch giúp nhận diện khuôn mặt bệnh nhân để giảm thủ tục cho người bệnh tại các cơ sở điều trị Methadone...

Với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 (10/11 - 10/12/2019) đã trở thành đợt cao điểm để toàn xã hội chung tay hỗ trợ những người nhiễm HIV, nâng cao nhận thức cho người dân về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội...

Ước tính mỗi ngày đi qua, trên thế giới có 7.000 người nhiễm HIV mới. Việt Nam đặt ra mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030.

Tại Hà Tĩnh, ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1997, tính đến 31 tháng 10 năm 2019, lũy tích nhiễm HIV/AIDS là 1.830 trường hợp, trong đó 888 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 388 trường hợp tử vong do AIDS. HIV/AIDS đã có mặt tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 210/262 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.