Nguy cơ xuất hiện nhiều ổ dịch
Đến thời điểm này, thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) vẫn chưa dập tắt được dịch SXH. Theo Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Lộc Hà Đào Văn Thế, mặc dù đơn vị và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống nhưng vẫn chưa dập tắt được ổ dịch tại thôn Nam Sơn; hiện vẫn xuất hiện các ca mới. Trên toàn huyện có thêm hai ca mắc SXH vãng lai (ở Hồng Lộc và ở Thạch Bằng).
Dù Trung tâm YTDP huyện Lộc Hà đã phun hóa chất diệt muỗi toàn thôn Nam Sơn lần thứ 2 nhưng vẫn chưa khống chế được dịch SXH
Ông Thế cho biết thêm: Trước đây, chỉ số bọ gậy rất cao, với 43,9%; sau chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường do huyện phát động, Trung tâm YTDP đã tiến hành giám sát lại, kết quả chỉ số BI bình quân trong toàn huyện còn trên 22%, đang vượt ngưỡng 2%. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, chỉ số bọ gậy có thể tăng đột biến bất cứ lúc nào nếu người dân không triển khai các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy hàng ngày.
Ngoài ổ dịch ở thôn Nam Sơn, toàn tỉnh đã có đến 46 trường hợp dương tính với vi rút dengue. Tất cả các bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn tỉnh đều được điều trị ổn định, không có bệnh nhân nặng.
Trưởng Khoa dịch tễ Trung tâm YTDP tỉnh Nguyễn Chí Trung cho biết: Theo kết quả điều tra dịch tễ, các trường hợp mắc SXH nói trên đều vãng lai (đi từ vùng có dịch về). Điều lo ngại là, mặc dù người mắc SXH rải rác nhưng đã có mặt hầu hết ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh. Như vậy, mầm bệnh đã “có mặt” khắp nơi, cộng với thời tiết thuận lợi cho muỗi, bọ gậy phát triển, nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch thì nguy cơ xuất hiện các ổ dịch rất lớn.
“Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”
Với phương châm “Không có bọ gậy, không có SXH”, các địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai các biện pháp phòng chống SXH.
Giám sát chỉ số véc tơ tại các khu dân cư có người mắc sốt xuất huyết
Phó Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Thạch Hà Lê Hữu Lưu cho biết: Thạch Hà đã có 13 ca dương tính với vi rút dengue, đều là vãng lai. Với mục tiêu phát hiện sớm các ca mắc, kịp thời bao vây, khống chế và dập tắt dịch, Trung tâm YTDP huyện đã giao nhiệm vụ cho cán bộ bám sát địa bàn theo dõi và hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch. Đối với các vùng đã có các ca bệnh vãng lai và có chỉ số BI bọ gậy vượt ngưỡng như ở Thạch Vĩnh và thị trấn Thạch Hà, Trung tâm đã cho triển khai phun hóa chất diệt muỗi.
Đối với các vùng có chỉ số véc tơ cao nhưng chưa có người mắc SXH thì hướng dẫn, vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tác nhân gây SXH. Đến thời điểm này, chỉ số véc tơ bình quân trong toàn huyện đã hạ xuống dưới ngưỡng nhưng với điều kiện thời tiết như hiện nay thì nguy cơ tăng trở lại rất cao. Vì vậy, cán bộ trung tâm tiếp tục bám sát địa bàn, theo dõi sát sao để hạn chế tối đa sự lây lan bệnh dịch ra cộng đồng.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị vào cuộc phòng, chống dịch bệnh SXH. Về phía ngành Y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Xuân Dâng cho biết, Trung tâm YTDP các huyện, thị, thành phố đã và đang tập trung các hoạt động phòng chống dịch, bệnh; chủ động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca mắc bệnh để khoanh vùng và xử lý kịp thời, triệt để; xử lý ổ dịch theo đúng hướng dẫn; đẩy mạnh công tác truyền thông, phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại khu vực có bệnh nhân, vùng có chỉ số mật độ muỗi và chỉ số bọ gậy cao…
Đối với công tác điều trị, Sở Y tế đã chỉ đạo các BVĐK trong toàn tỉnh theo dõi tất cả các trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân, nghi ngờ SXH, đặc biệt người đi từ vùng đang có dịch SXH về, thông báo kịp thời để lấy mẫu xét nghiệm sớm; chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc và các phương tiện thu dung bệnh nhân, tích cực điều trị và điều trị đúng phác đồ. Các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức cấp cứu ban đầu và điều trị bệnh nhân khi mắc bệnh SXH; theo dõi, giám sát các trường hợp điều trị tại nhà; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân; có kế hoạch chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên khi cần thiết; kiên quyết không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh SXH.