Dự án của Facebook có tên gọi là Ego4D với ý tưởng là AI sẽ liên tục phân tích cuộc sống của người dùng thông qua các video góc nhìn thứ nhất, ghi lại những gì họ thấy, làm và nghe, từ đó giúp cải thiện các công việc hàng ngày.
Các chuyên gia nghiên cứu của Facebook dự kiến phát triển một loạt kỹ năng cho hệ thống AI, trong đó có“trí nhớ theo từng giai đoạn (để trả lời các câu hỏi như”Tôi đã để chìa khóa ở đâu?") và phân tích âm thanh, hình ảnh (như nhớ ai đó đã nói gì, khi nào). Hệ thống gồm hai thành phần chính: một tập dữ liệu mở đầu vào là các video, hình ảnh hoặc âm thanh; và đầu ra là một loạt nhiệm vụ mà Facebook cho rằng AI sẽ có thể giải quyết.
Hiện tại, hầu hết các hệ thống AI trên toàn cầu chưa thể phân tích và xử lý các ngữ cảnh như Facebook nêu ra. Đại diện nhóm cho biết họ đang xử lý lượng dữ liệu đầu vào “lớn nhất từng được tạo ra” với khoảng 3.205 giờ video, được ghi lại bởi 855 tình nguyện viên sống ở 9 quốc gia khác nhau. Facebook đã hợp tác với 13 trường đại học trên khắp thế giới để thu thập lượng dữ liệu này.
Theo nhóm nghiên cứu, các trường đại học sẽ chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu thay vì Facebook. Đa số người tham gia dưới dạng tình nguyện, một số được trả tiền. Họ đeo máy ảnh GoPro và kính AR để quay video về hoạt động của mình, từ công việc xây dựng, nướng bánh đến chơi với thú cưng và giao lưu với bạn bè. Tất cả cảnh quay đều được khử nhận dạng như làm mờ khuôn mặt của người trong video và xóa mọi thông tin cá nhân.
Thành phần thứ hai của Ego4D là một loạt các điểm đầu ra hoặc nhiệm vụ. Các bước xử lý gồm: Ký ức giai đoạn (điều gì đã xảy ra); Dự báo (nhiệm vụ sẽ làm là gì); Thao tác tay và đồ vật (đang thực hiện nhiệm vụ gì); Phân tích âm thanh và hình ảnh (ai đang nói gì, khi nào); và Tương tác xã hội.
Facebook nhấn mạnh, Ego4D hiện chỉ nhằm mục đích nghiên cứu, chưa tính đến phát triển thương mại. Tuy nhiên, nhóm kỳ vọng dự án sẽ có tính ứng dụng với AR. “Một ngày nào đó, các hệ thống được đào tạo dựa trên Ego4D có thể không chỉ được sử dụng cho máy ảnh đeo được, mà còn cho cả robot trợ lý tại nhà để điều hướng thế giới xung quanh”, Kristen Grauman, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, tham vọng AI của Facebook tiếp tục gây lo ngại về quyền riêng tư. Theo các chuyên gia, dự án “không bao gồm các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư nổi bật”. Do đó, hệ thống có thể thu thập dữ liệu cá nhân trái phép và bí mật, sau đó được lưu trữ và sử dụng cho quảng cáo hoặc mục đích khác mà người dùng không hay biết.
Trước đó, Facebook đã bắt tay Ray-Ban phát triển kính thông minh gắn camera có tên Stories . Các chuyên gia bảo mật cảnh báo hãng có thể dùng Stories hoặc một loại kính AR trong tương lai để quay lén. “Sự lo ngại về vi phạm riêng tư sẽ trở nên nghiêm trọng nếu Facebook kết hợp phần cứng với phần mềm mới. Nó không chỉ ghi lại cảnh quay cá nhân, mà còn có thể phân tích, biến người đeo thành máy giám sát đi bộ”, một chuyên gia nói.
Ego4D cũng khiến giới bảo mật không yên tâm khi Facebook cho biết hệ thống được triển khai cho các nhà phát triển bên thứ ba nếu hoàn tất. Đáp lại, đại diện mạng xã hội nói công ty sẽ đảm bảo vấn đề bảo mật dữ liệu. “Chúng tôi hy vọng trong phạm vi được phép, các công ty dùng bộ dữ liệu của Ego4D để phát triển ứng dụng thương mại sẽ có các biện pháp bảo vệ cho người dùng”, phát ngôn viên Facebook nói.
Người này cũng bổ sung, khi dùng kính AR, nhà phát triển buộc phải tạo ra một giao thức để cảnh báo người đối diện rằng họ đang bị ghi lại hình ảnh, hoặc phải đứng ở khoảng cách đủ gần để người đối diện nhìn thấy mới kích hoạt được chế độ ghi âm thanh.
Dù vậy, The Verge bình luận rằng hiện tại, những biện pháp bảo vệ như vậy chỉ là mang tính lý thuyết.