The Verge đánh giá Android 12 là hệ điều hành chứa nhiều tham vọng nhất của Google trong những năm gần đây. Phiên bản mới mang đến cuộc đại tu cho từng ngóc ngách trong giao diện người dùng của công ty.
Tuy nhiên, Android 12 nhanh chóng khiến người dùng thất vọng vì Samsung, OnePlus phải tạm dừng triển khai cập nhật bởi những cảnh báo về lỗi nghiêm trọng. Trong khi đó, Google phải xử lý danh sách vấn đề kéo dài với hệ điều hành mới trên Pixel 6.
Những vấn đề của Android 12
The Verge cho rằng năm nay Google đã cố bổ sung những yếu tố phức tạp vào tổng thể lộn xộn có sẵn của Android. “Mặc dù giao diện được làm mới trên những chiếc máy cao cấp có vẻ hấp dẫn. Nhưng Android vẫn là Android, bao gồm cả mặt tốt và xấu”, The Verge viết.
Phiên bản Android 12 được ra mắt với rất nhiều vấn đề.
Android 12 được giới thiệu lần đầu vào tháng 5/2021 tại sự kiện Google I/O. Đến 4/10/2021, bản phát hành ổn định của hệ điều hành này mới được cung cấp, trễ hơn các năm trước. Sau đó, Google tung ra hàng chục bản vá lỗi liên tiếp cho Android 12.
Sự việc ngày càng tồi tệ khi bản vá tháng 12 khiến một số chiếc Pixel 6 không thể kết nối mạng. Sau đó, Google âm thầm ngừng cập nhật và xóa bản vá khỏi kho lưu trữ để ngăn người dùng tải xuống thủ công. Khi bị chấn vấn, Google giải thích rằng gói cập nhật đó có vấn đề và phiên bản cuối tháng 1 sẽ khắc phục toàn bộ lỗi hiện có.
Không chỉ Google gặp rắc rối với hệ điều hành của mình. Người dùng Samsung tại Hàn Quốc báo cáo nhiều vấn đề nghiêm trọng xảy ra với Galaxy Z Fold3 và Z Flip3 sau khi nâng cấp OneUI 4.0 trên nền Android 12. Màn hình nhấp nháy, điện thoại thành cục gạch là các lỗi phổ biến. Samsung thừa nhận sự cố và tung ra bản vá thử nghiệm.
Phiên bản Android 12 ổn định cho máy OnePlus cũng gặp vấn đề. Giao diện smartphone có nhiều lỗi đến mức công ty phải tạm dừng phát hành. Trong một tuyên bố, OnePlus giải thích rằng phiên bản này là nỗ lực của công ty khi kết hợp mã nguồn cơ sở từ OxygenOS và ColorOS, dẫn đến trải nghiệm không mượt mà. Nhóm phát triển phần mềm của họ đã thu thập phản hồi cộng đồng, sớm tung ra bản dựng mới trong một tuần để mang lại trải nghiệm tốt hơn.
Cố gắng của Google phản tác dụng
Theo chuyên gia Mishaal Rahman, cựu Tổng biên tập XDA Developer s , các lỗi trên Pixel 6 liên quan đến kích thước lớn bất thường của tệp cài đặt. “Nhiều người nói Android 12 là gói nâng cấp lớn nhất từ Lolipop 5.0. Có rất nhiều thay đổi trong bộ giao diện và tính năng”, ông Rahman nói.
Bản chất phân mảnh của Android là nguyên nhân chính cho tình trạng lỗi kéo dài.
Chuyên gia này cho biết cam kết cập nhật Android mới mỗi năm khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi Google cố gắng làm quá nhiều thứ trong một chu kỳ phát triển. “Họ bắt đầu Android 12 ngay sau khi bản 11 được phát hành rồi nhanh chóng hết thời gian. Sau đó, họ phải tập trung vào sửa lỗi, dẫn đến chậm trễ phát triển Android 13”, Mishaal Rahman nói với The Verge.
Việc cố gắng cập nhật sớm hơn của Google có thể đã phản tác dụng. Người dùng Android yêu cầu được cập nhật nhanh hơn và hỗ trợ lâu dài, tương tự iOS. Điều đó đã diễn ra trong năm nay. Khách hàng của Samsung thường phải đợi 3 tháng để có Android mới. Tuy nhiên, OneUI 4.0 có mặt trên smartphone cao cấp của công ty chỉ một tháng rưỡi sau Android 12. Tuy nhiên, người dùng cần một phiên bản ổn định hơn là gói nâng cấp sớm đầy lỗi.
Với OnePlus, công ty thừa nhận sự cố đến từ việc hợp nhất OxygenOS và ColorOS cùng những thay đổi của Android 12. “Đó là công thức để xảy ra lỗi. Các thiết bị nhận tính năng từ OxygenOS 11 lên OxygenOS 12 kết hợp thêm ColorOS.”, ông Rahman chia sẻ.
Để minh họa cho vấn đề, chuyên gia trên cho biết khi điện thoại Realme khôi phục dữ liệu trên những bản Android cũ sẽ không thể tắt được chế độ ánh sáng ban đêm. Điều này xảy ra do sự không đồng nhất giữa phần mềm của Realme và triển khai ánh sáng đêm từ nguồn mở Google. Ông nghi ngờ Android 12 của OnePlus gặp vấn đề tương tự.
Các yếu tố trên có thể góp phần khiến việc phát hành gặp trục trặc. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản thuộc về bản chất của Android. Đó là một hệ điều hành phân mảnh. Theo The Verge , không có đường nối từ Andrloid 12 đến Galaxy S21 hay OnePlus 9. Mọi bản cập nhật lớn đều có khác biệt giữa nhà sản xuất, nhà mạng và Google, dẫn đến sự chậm trễ.
Các sáng kiến như Project Treble có thể giúp tăng tốc một phần quy trình, nhưng không triệt để. Trừ khi Google hành động quyết liệt hơn, nếu không, sự cố vẫn sẽ xảy ra với điện thoại Android mỗi khi có hệ điều hành mới.
Những thiệt hại lớn từ phần mềm đầy lỗi
Trong khi Google cố cập nhật nhanh hơn, các nhà sản xuất lại muốn tạo điểm nhấn riêng cho điện thoại của mình.
OnePlus dần tách các chức năng dành riêng cho điện thoại cao cấp khỏi dòng Nord phổ thông. Samsung lại muốn trang bị những tính năng đặc trưng cho dòng điện thoại gập của hãng. Google ra mắt Pixel 6, định vị nó ở phân khúc cao cấp với thiết kế lạ và bộ vi xử lý riêng. Việc tung ra những bản cập nhật đầy lỗi khiến người dùng mất dần lòng tin vào hình ảnh các công ty đang xây dựng.
The Verge bày tỏ sự tiếc nuối cho OnePlus, Google hay Samsung vì phần cứng những sản phẩm họ tạo ra rất tốt. Nhưng đằng sau vẻ ngoài bóng bẩy, trải nghiệm phần mềm tệ hại phá hỏng mọi thứ. Điều này có thể dễ dàng được bỏ qua trên điện thoại tầm trung nhưng khó tha thứ ở máy cao cấp.
Apple cũng từng gặp các sự cố phần mềm. Tuy nhiên, vấn đề của Táo khuyết đơn giản và được giải quyết nhanh hơn. Đó là mặt trái của sự phân mảnh Android, không “thực thể” nào có thể chỉ huy hoàn toàn phần cứng và phần mềm. Trong hệ sinh thái Apple, người dùng chỉ nhận được những tính năng mà công ty cho là phù hợp.