Theo Nikkei, Apple đang đàm phán để sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Đây là nỗ lực của gã khổng lồ công nghệ Mỹ, dịch chuyển dây chuyền chế tạo từ Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, Luxshare và Foxconn, hai đối tác lắp ráp của Apple đang thử nghiệm sản xuất Apple Watch ở các nhà máy đặt tại các tỉnh phía Bắc. Đây là lần đầu thiết bị này được chế tạo bên ngoài Trung Quốc.
Apple Watch và MacBook đang được thử nghiệm sản xuất hàng loạt ở các nhà máy tại Việt Nam. Ảnh: Reuters
Nikkei gọi Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple, sau Trung Quốc. Các nhà máy trong nước đã lắp ráp loạt sản phẩm chủ lực của Táo khuyết như iPad, AirPods và giờ là Apple Watch và MacBook.
Theo các chuyên gia trong ngành di động, Apple Watch là thiết bị có mức độ chính xác chế tạo tinh vi hơn iPad hay AirPods. Việc lắp ráp nhiều linh kiện tí hon vào một chiếc khung nhỏ đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao. Sản xuất được Apple Watch là một thắng lợi cho các nhà máy tại Việt Nam, thể hiện sự thành công của lĩnh vực công nghệ trong nước.
Nhiều dây chuyền chế tạo iPad đang được Apple chuyển sang Việt Nam khi các đợt phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 tiếp diễn ở Trung Quốc. Điều này gây ra gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho biết Táo khuyết đang đàm phán để đưa dây chuyền sản xuất loa HomePod đến Việt Nam.
Với MacBook, công ty Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị, lắp ráp dây chuyền sản xuất thử nghiệm trong nước. Tuy nhiên, tiến độ sản xuất hàng loạt sản phẩm này diễn ra chậm chạp. Nguyên nhân là sự thiếu hụt linh kiện do đứt quãng cung ứng.
“AirPods, Apple Watch, HomePod và nhiều thứ nữa. Apple có kế hoạch lớn ở Việt Nam. Nhưng trong đó không có sản xuất iPhone. Ngoài ra, linh kiện MacBook được thiết kế kiểu module, nên dễ dàng đưa khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, tối ưu chi phí là một vấn đề khác”, một chuyên gia giấu tên nói với Nikkei.
Việc mở rộng lắp ráp thiết bị Apple tại Việt Nam bắt đầu từ 2020 với AirPods. Mẫu tai nghe này là một trong những sản phẩm đầu tiên của Apple được chuyển dây chuyền khỏi Trung Quốc. Việc này diễn ra sau những căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump. Từ đây cho thấy cách tiếp cận khác của Táo khuyết với quốc gia tỷ dân. Dù trước đó, công ty đã phụ thuộc vào Trung Quốc ở việc sản xuất trong hàng thập kỷ.
Nikkei đánh giá Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung. Lượng đối tác sản xuất của Táo khuyết ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với 2018. Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn như Google, Dell, Amazon cũng thiết lập dây chuyền tại Việt Nam để giảm phụ thuộc Trung Quốc.
Eddie Han, nhà phân tích cấp cao của Isaiah Research cho rằng các nhà sản xuất cố gắng tìm sự cân bằng giữa căng thẳng của Mỹ và Trung Quốc.
“Vai trò số một của Trung Quốc trong sản xuất bị thách thức sau chiến tranh thương mại và chính sách Zero Covid của nước này. Điều đó giúp Việt Nam, quốc gia bên cạnh Trung Quốc, trở thành điểm đến lý tưởng cho sản xuất điện tử khi nước này đang phát triển hệ sinh thái cung ứng của mình”, ông Han nói.