Đây là số liệu của công ty nghiên cứu Strategy Analytics vừa công bố. Với kết quả trên, Apple trở thành công ty tiêu thụ máy tính xách tay lớn thứ tư thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, chiếm 10% thị phần thị trường toàn cầu và tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lenovo đứng đầu trong top 5 khi xuất xưởng được 15,3 triệu chiếc, chiếm 23% thị phần, trong khi đó, HP và Dell xuất xưởng 14,3 triệu và 12,2 triệu chiếc, chiếm lần lượt 21% và 18% thị phần.
Theo báo cáo của Strategy Analytics, hầu hết các nhà cung cấp máy tính xách tay đều tăng trưởng ở mức kỷ lục năm 2020. Dell đứng đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng lớn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên nhờ chiết khấu cao hơn đối với các sản phẩm cao cấp như MacBook Air.
Tính cả các thương hiệu khác ngoài 5 thương hiệu hàng đầu, 66,8 triệu máy tính xách tay đã được xuất xưởng trong quý này. Theo nhận định của giới phân tích thị trường, con số này có thể sẽ cao hơn nếu không phải do hạn chế về nguồn cung và tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng đến các công ty công nghệ, bao gồm cả Apple.
Tuần trước, Apple đã báo cáo doanh thu của Mac đạt 9,17 tỷ USD trong quý 4 năm tài chính 2021, đây là kỷ lục doanh thu hàng quý mọi thời đại của Mac. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết, người dùng có “nhu cầu mạnh mẽ” đối với MacBook Air M1 nói riêng.
Apple dự kiến sẽ phát hành MacBook Air với thiết kế hoàn toàn mới và chip M2 do Apple thiết kế trong khoảng sáu đến tám tháng kể từ bây giờ. Nhiều tin đồn cho thấy máy tính xách tay này sẽ có thiết kế tương tự như iMac 24 inch, bao gồm các viền màu trắng xung quanh màn hình và nhiều lựa chọn màu sắc.
Những ngày vừa qua, một số website công nghệ đưa tin Apple đã lặng lẽ ngừng cung cấp dòng sản phẩm iMac 21,5 inch chạy trên bộ xử lý Intel, vốn vẫn được cung cấp dưới dạng cấu hình cấp thấp phù hợp cho các tổ chức giáo dục. Động thái này được thực hiện khiến khách hàng chỉ có thể lựa chọn các mẫu iMac 24 inch và 27 inch.