Chuyên gia cho rằng, tiền giải phóng mặt bằng các dự án đường bộ quá lớn, nền đường làm cao quá mức cần thiết.
Cụ thể, tại Nghị quyết phiên họp tháng 2/2017 vừa được Thủ tướng ký ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng cùng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương lựa chọn một số dự án đường bộ, tổ chức thi công thí điểm 1 km đường làm cơ sở rà soát, điều chỉnh định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng thể hiện trong đề án hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng.
Trước đó, Chính phủ nhận được một số ý kiến góp ý về cách thức triển khai cũng như việc tính toán suất đầu tư trong các công trình đường bộ, đường sắt…của Việt Nam hiện có nhiều bất thường.
Cụ thể, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khi các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào dự toán thấy rằng suất đầu tư các dự án giao thông rất cao. Tiền giải phóng mặt bằng quá lớn, nền đường làm cao quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng đến thuỷ lợi, ruộng vườn…
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng nhìn nhận, hiện trong dư luận vẫn còn ý kiến cho rằng suất đầu tư Việt Nam cao nhất thế giới hoặc làm xong đường xuống cấp, rẻ cũng hóa thành đắt.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn, việc xây dựng đơn giá định mức hoàn toàn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Số liệu xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội đã được kiểm soát chặt chẽ trên toàn tuyến.
Cũng theo ông Sơn, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 1.372km có tổng mức đầu tư khoảng 314.000 tỷ đồng, thì bình quân suất đầu tư là 215 tỷ đồng/km, tương đương hơn 9,7 triệu USD.
Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh cho hay, suất đầu tư đường cao tốc cao hay thấp phụ thuộc vào từng dự án, công trình. Đơn cử như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, suất đầu tư 1km chỉ khoảng 6 triệu USD, Cầu Giẽ - Ninh Bình khoảng 12 triệu USD/km, nhưng cao tốc Bến Lức - Long Thành lên tới 25,8 triệu USD/km.