Chị Nguyễn Thị Hải Yến ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà có con gái 4 tuổi bị rôm sảy ở vùng trán và mặt, gây ngứa ngáy khó chịu nhiều ngày. Theo lời người mẹ này, trời mát mẻ thì không sao nhưng cứ nắng nóng là bé lại nổi rôm sảy.
Mùa nắng nóng, trẻ thường bị rôm sảy
Thương con, chị Yến đăng lên trang facebook cá nhân nhờ bạn bè tư vấn cách chữa trị cho bé. “Có cách chữa trị rôm sảy hiệu quả cho trẻ không các mẹ? Mới sáng mà bé nhà em đã đỏ ửng cả người rồi”, chị Yến “cầu cứu” bạn bè.
Có một số người bạn chỉ cho chị Yến cho bé uống nước rau má, có người nói chị lấy các cây chó đẻ răng cưa, hương nhu nấu rồi tắm cho bé sẽ nhanh lành. Một số thì nói tới thầy lang lấy thuốc về uống hoặc về thoa cho bé… Trước quá nhiều lời tư vấn lại khiến chị băn khoăn.
Cũng có con gái 19 tháng bị rôm sảy khắp người, chị Nguyễn Thị Nga (SN 1990, trú ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mỗi khi bị ngứa, bé cứ chạy lại gần mẹ, ông bà ngoại để gãi. Biết là gãi sẽ làm rôm sảy lan rộng nhưng không gãi thì bé lại quấy khóc. Thương con mà không biết làm sao cả”.
Chị Nga cho biết, ban đầu rôm xuất hiện ở cánh tay, chân sau đó lan ra khắp người bé. Việc bị rôm sảy khiến bé khó ngủ, hay quấy khóc.
Bác sĩ CKI Thái Xuân Hải - Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho hay, rôm sảy thường gặp ở trẻ khi thời tiết nóng, oi bức. Trẻ xuất hiện các chấm, sẩn đỏ tại các vùng ẩm của cơ thể, dễ thấy nhất là ở nếp gấp da của cổ, ngực, cánh tay, cẳng chân.
Bác sĩ Thái Xuân Hải đang thăm khám cho bệnh nhi
“Thời tiết Hà Tĩnh thời gian qua có nắng nóng, oi bức kéo dài làm cơ thể trẻ phải điều nhiệt bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi. Khi mồ hôi tiết ra quá nhiều, thêm vào việc các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, do nhiễm khuẩn sẽ làm mồ hôi bị ứ đọng gây rôm sảy”, BS Hải thông tin.
Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh khuyến cáo, khi trẻ bị rôm sảy, cha mẹ nên hạn chế cho bé vận động lúc mức nhiệt cao, tránh các hoạt động mạnh, đổ nhiều mồ hôi. Tốt nhất là cho bé chơi trước 8h sáng và sau 17h chiều mỗi ngày. Kết hợp với đó là chế độ ăn uống đủ chất, nhiều rau xanh, bổ sung đủ nước và mặc áo quần thoáng mát cho trẻ.
“Có nhiều bậc cha mẹ dùng phấn rôm thoa lên khu vực rôm sảy cho trẻ, tuy nhiên, không nên áp dụng cách này, vì ở Hà Tĩnh nắng nóng, mồ hôi ra nhiều, khi dùng phấn rôm có thể làm tắc lỗ chân lông làm phản tác dụng”, BS Hải nói và cho biết, có thể tắm cho trẻ bằng sữa tắm chuyên dụng sẽ tốt hơn.
Trước thắc mắc của phụ huynh về việc dùng một số loại lá, quả như mướp đắng, chó đẻ răng cưa, hương nhu, rau má… tắm cho trẻ bị rôm sảy, BS Thái Xuân Hải nói rằng có thể áp dụng phương pháp này, tuy nhiên, cần đảm bảo nguồn lá, quả sạch, không có thuốc trừ sâu.
Trường hợp trẻ bị rôm sảy kéo dài, lan ra diện rộng, có mụn mủ cần đưa tới bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra, chữa trị.