Về làng ngỡ phố ở xã Xuân Yên
Trong 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, diện mạo huyện Nghi Xuân đã có những đổi thay đáng kể, hướng phát triển KT-XH cũng đã được vạch ra khá rõ nét. Trong đó, xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được coi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế và là nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2017 khép lại, toàn huyện có thêm 6 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 14/17, chiếm 82%. Với đà này, tin rằng Nghi Xuân sẽ đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2019 (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch tỉnh đặt ra).
Dẫu vẫn còn một số ít tiêu chí chưa thật mỹ mãn nhưng Nghi Xuân cũng rút ra được một số bài học trong xây dựng NTM. Trước hết, xác định chủ thể chính trong xây dựng NTM là của người dân. Ý thức được điều này, ngoài triển khai công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo huyện còn trao quyền tự chủ, tự bàn bạc, để dân quyết định từng phần việc. Quá trình thực hiện đều có sự hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các bộ phận chuyên môn để xử lý nếu có vướng mắc phát sinh.
Nhiều mô hình sản xuất, vườn mẫu mang lại thu nhập cao cho người dân
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã hoàn thiện khung kế hoạch 3 cấp (huyện, xã, thôn), đề ra từng phần việc cụ thể, thời gian ấn định cho từng hạng mục. Đồng thời, thành lập các tổ công tác dưới sự chỉ đạo của một đồng chí thường vụ huyện ủy, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn thực hiện từng phần việc được giao; đôn đốc kiểm tra tiến độ.
Cuối năm, Ban Chỉ đạo chấm điểm bình xét thi đua từng tổ công tác, từng thành viên, từ đó, khích lệ tinh thần làm việc của mỗi người… Bên cạnh công tác GPMB, việc tạo ra nguồn nội lực để triển khai xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng (đường, trường, trạm…) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng làm thế nào để người dân tham gia lại là vấn đề không đơn giản.
Nhiều địa phương ở Nghi Xuân lại hóa giải bài toán này với cách làm là lựa chọn những hộ buộc phải phá bỏ nhà cửa để tập trung làm trước, lựa chọn những khu, cụm dân cư, thôn xóm nơi tập trung nhiều hộ nghèo, hộ neo đơn để tiến hành giải tỏa hành lang, phá dỡ tường rào, cổng nhà; chọn những người có uy tín, đảng viên, cán bộ đi tiên phong trong việc GPMB; hiến đất làm giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng.
Nhà văn hoá thôn đạt chuẩn.
Cương Gián, Xuân Lĩnh, Xuân Yên là những địa phương có nhiều cách làm hay trong GPMB làm giao thông nông thôn và thu hút đầu tư. Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã có 117.000 m2 đất được người dân tự nguyện hiến; hàng trăm cổng nhà, hàng chục ngàn mét tường rào được người dân tự nguyện phá dỡ để thi công các công trình.
7 năm qua, chỉ tính riêng 100 nhà văn hóa thôn trị giá 60 tỷ đồng, người dân tham gia đóng góp gần 2/3. Bên cạnh huy động nội lực, huyện còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân, chủ doanh nghiệp là con em Nghi Xuân sống và làm việc trên mọi miền đất nước tham gia.
Tại các thôn đều có sân bóng chuyền
Những năm gần đây, huyện đã thu hút hơn 300 tỷ đồng từ ngoại lực đầu tư xã hội hóa xây dựng các công trình người dân hưởng lợi. Để làm được điều đó, một mặt lãnh đạo huyện tổ chức gặp mặt, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết về những công trình, hạng mục đầu tư; mặt khác, công khai chi tiết từng khoản chi phí tiết kiệm nhất để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, ngoài những tiêu chí các cấp đề ra, Nghi Xuân còn đặt ra một tiêu chí khác là hình thành CLB dân ca ví, giặm trong khu dân cư. Với cách làm này, cùng lúc, Nghi Xuân trúng 2 mục tiêu: Vừa tuyên truyền chủ trương xây dựng NTM thông qua các buổi tập luyện dân ca ví, giặm, vừa bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể…
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân