Chân dung nữ sinh Nguyễn Thị Thảo có bài văn đạt điểm 9,5
Nói về kết quả của con gái, chị Phan Thị Hòa không giấu nổi niềm vui: “Khi cháu thổ lộ mong muốn thi lại, vợ chồng tôi không đồng ý vì lúc đó Thảo đã học được 1 kỳ ở Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh ở Thái Nguyên. Là người mẹ, tôi chỉ mong con gái sớm ổn định việc học hành, nhưng thấy con buồn thì tôi lại mềm lòng. Với kết quả này của cháu, gia đình rất vui và tự hào”.
Kết quả của mùa thi đại học năm nay của Nguyễn Thị Thảo là một hành trình đầy quyết tâm. Thảo chia sẻ: “Ước mơ của em là luật kinh tế, nhưng năm ngoái không đủ điểm. Vì thế, em đành học nguyện vọng 2 để bố mẹ không phải buồn. Em đã khóc rất nhiều. Nhờ người thân trong gia đình, họ hàng tác động, hết kỳ 1, bố mẹ mới tạm thời đồng ý cho em đi thi nhưng yêu cầu bảo lưu kết quả cho chắc chắn. Cũng từ đó, em quyết tâm tận dụng cơ hội này”.
Quyết tâm tìm lại ước mơ đã trở thành động lực cho Thảo trong những tháng ngày miệt mài tự học
Để củng cố kiến thức cho lần thi thứ 2, Thảo đã tập trung vào việc tự học. Học trong sách giáo khoa, học trên các trang mạng có uy tín, những phần không hiểu em mạnh dạn gọi điện hỏi các thầy cô giáo cũ.
Tự học tuy hơi khó khăn vì thiếu môi trường trao đổi nhưng lại có lợi thế về thời gian để tìm tòi thông tin, tư liệu và sự yên tĩnh. Khó nhất với Thảo là môn Lịch sử, bởi môn học này không chỉ học thuộc mà phải tư duy và biết liên hệ thực tế. Vì thế, em đã cố gắng nắm chắc các mốc lịch sử, sau đó tìm hiểu các chi tiết. Ngoài ra, Thảo cũng thường xuyên tìm hiểu tài liệu của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội trên các trang thông tin.
Bố mẹ Thảo chia sẻ niềm vui về thành quả của con gái
Riêng với môn Văn, Thảo rất tự tin khi làm bài nhưng không nghĩ mình được 9,5 điểm. Thảo cho biết: Để học tốt bộ môn này là cả một quá trình tích lũy kiến thức và đọc nhiều sách để góp nhặt vốn từ. Có như thế bài văn mới linh hoạt và truyền cảm. Em cảm thấy đề văn năm nay hay, tuy rất khó nhưng em đã tìm được ý riêng cho mình.
Trong phần phân tích sự đối lập giữa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình ở làng chài, nhiều bạn suy nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ hiền hậu bị bạo hành và người đàn ông vũ phu, nhưng em lại có suy nghĩ khác. Đó là khi nhìn nhận và đánh giá 1 con người dù ở đời thực hay văn học cũng cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để có sự thông cảm và thấu hiểu. Đó là cũng là điều rất quan trọng trong cuộc sống. Và em nghĩ đó cũng chính là một trong những lý do để em đạt điểm 9,5.