Rừng bị cháy và "nỗi đau"" không dứt
Khu vực bị cháy bắt đầu từ tiểu khu 90, thôn 7, xã Xuân Hồng.
Vụ cháy rừng kinh hoàng xảy ra tại huyện Nghi Xuân từ ngày 28/6 - 30/6/2019 để lại hậu quả khá nặng nề. Khó có thể đưa ra con số chính xác, nhưng chi phí của hàng chục phương tiện chuyên dụng phục vụ cho việc chữa cháy và công sức của hơn 7.000 lượt người tham gia đẩy đuổi “giặc lửa” cũng lên đến hàng tỷ đồng.
Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp...
Đặc biệt, theo tính toán của các cơ quan chức năng, trong số diện tích 92,4 ha thuộc 2 tiểu khu 90 (Xuân Hồng) và 92A (thị trấn Xuân An) có đến 67,1 ha rừng bị thiêu trụi, thiệt hại lên đến 3,2 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn diện tích (85,4 ha) thuộc chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, số còn lại thuộc sở hữu của Công ty Xăng dầu Thanh Vân và một số hộ dân bỏ vốn trồng.
Quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghi Xuân Trần Thanh Tường khẳng định: “Khả năng phục hồi số diện tích rừng bị cháy chỉ đạt khoảng 30%. Tuy nhiên, để có con số tương đối chính xác thì nhanh nhất cũng phải đến ngày 18/8 năm nay mới có câu trả lời. Lúc đó, những khu vực không thể phục hồi, chủ rừng sẽ lập hồ sơ xin thanh lý, tận thu sản phẩm và đề xuất phương án thay thế”.
...với hơn 7.000 lượt người tham gia đẩy đuổi “giặc lửa”.
Những giải pháp "hồi sinh"
“Số tiền thiệt hại là lớn, nhưng chẳng là gì nếu so với lợi ích từ khu rừng mang lại. Bởi rừng ở Nghi Xuân chủ yếu là rừng thông, có tuổi đời trên 50 năm nên khả năng phòng hộ rất tốt. Rừng chính là những “tấm khiên” vững chắc che chở cho con người khi mưa lũ tràn về” – Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Phi Quỳnh chua xót cho hay.
Hiện tại, lực lượng kiểm lâm cùng bảo vệ rừng đang tăng cường tuần tra canh gác, trực chốt 24/24h để theo dõi thường xuyên khu vực rừng bị cháy, xem xét khả năng phục hồi và ngăn chặn những người dân lợi dụng cơ hội vào chặt phá.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường tại nhà đối tượng gây ra cháy rừng...
Điều đáng nói, việc khắc phục chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như tính mạng và tài sản của người dân khu vực cận kề, đặc biệt trong mùa mưa lũ, bởi khu rừng đã mất khả năng phòng hộ.
Tới đây, phần diện tích rừng bị cháy sẽ được thay thế bằng cây keo để sớm phủ xanh cũng như tăng khả năng chống xói mòn, bởi loại cây này sinh trưởng khá nhanh. Về lâu dài, chủ rừng sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép thay thế bằng các loại cây bản địa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như: Dẻ, chân chim, thành ngạnh, bời lời…
...đo đếm mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Tuy nhiên, “dù có nỗ lực làm “sống lại” những khu vực bị cháy thì khả năng hồi phục đảm bảo đúng chức năng phòng hộ của rừng cũng kéo dài đến gần 10 năm nữa mới hoàn tất. Đó cũng chính là thiệt hại không thể "đong đếm được" - ông Quỳnh nói.